Thăm rạp Hồng Liên coi kịch Quảng Đông ở Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ tư, ngày 27/04/2022 20:46 PM (GMT+7)
Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và vía bà Thiên Hậu, đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông TP.HCM biểu diễn các vở kịch tại rạp hát Hồng Liên quận 6 (259 đường Hậu Giang) vào lúc 19h30 từ ngày 23-27/4, vào cửa tự do.
Bình luận 0

Biểu diễn kịch Quảng Đông nhân những dịp Lễ lớn

Nhận được thông tin đi coi kịch Quảng Đông, vài người bạn cùng hẹn nhau đi xem. Chị Kelly Xie (người Hoa, quận 5) giải thích thêm: "Những ngày lễ lớn là 30/04 và 1/5. Đấy chính là Lễ chung trên toàn quốc. Riêng với cộng đồng người Hoa, còn có ngày Lễ vía bà Thiên Hậu nhằm ngày 23/3 âm lịch. 

Bà Thiên Hậu có nhiều cách gọi khách như: Thiên Hậu Thánh, Mẫu Tổ, Thiên Thượng Thánh Mẫu, Thiên Hậu Nguyên. Bà là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Việt gốc Hoa. Bà được xem như vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển, được tôn kính đặc biệt cả trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Á".

Pa-nô thông báo lịch diễn

Pa-nô thông báo lịch diễn. Ảnh: H.B.Đ.

Được rủ đi coi kịch Quảng Đông, anh Nguyễn Tuấn thông báo trước với mọi người: "Riêng tiếng Quảng là em thua à nha. Tiếng Quảng như Quảng Nam, Quảng Ngãi... em nghe còn không hiểu. Huống hồ là tiếng Quảng Đông". Mọi người bèn trấn an: "Có chị Kelly Xie đi theo, thông dịch dùm, lo cái gì".

Thông tin sơ bộ về đoàn kịch Quảng Đông

Theo như thông báo, buổi diễn sẽ mở màn lúc 19h30, chúng tôi tranh thủ có mặt từ lúc 19h. Đến đây, chúng tôi được gặp cô Hà, được xem như quản lý của đoàn hát. Cô Hà cho biết: "Đây là chương trình biểu diễn của Đoàn ca kịch thống nhất Quảng Đông, trực thuộc Ủy ban các dân tộc thiểu số. Đoàn được thành lập vào 1976, hiện nay các diễn viên trong đoàn chủ yếu đều là nghiệp dư. Họ đều có công việc khác để mưu sinh".

Sân khâu trước giờ diễn

Sân khấu trước giờ diễn

Cũng theo cô Hà, đoàn kịch Quảng Đông sau 5 đêm diễn ở đây, đến tháng 6 sẽ sang khu Đại Thế Giới (nay là Nhà văn hóa quận 5) để diễn thêm 2 đêm nữa. 

Được biết, tháng 6 là đêm diễn của Bang Triều Châu, diễn bằng tiếng Tiều. Đoàn kịch Quảng Đông đây là được mời diễn chung.

Vào hậu trường trước giờ biểu diễn

Được sự cho phép của cô Hà, chúng tôi đã được vào hậu trường, đến tận nơi xem các diễn viên đang hóa trang. 

Cô Hà dặn dò: "Chỉ vào chụp hình thôi rồi ra nhé. Không nên hỏi han gì nhiều, khiến các diễn viên phân tâm, quên thoại".

Lên sân khấu mà quên thoại gọi là tổ trác. Để tránh chuyện "tổ trác", nên trước giờ diễn, các diễn viên lần lượt thắp nhang lên bàn thờ tổ để mong cho suất diễn được hanh thông. 

Anh Nguyễn Tuấn quay qua nói nhỏ: "Nếu có quên thì cứ hát đại. Em có hiểu gì đâu mà lo".

Diễn viên đang hóa trang

Diễn viên đang hóa trang

Sau giây phút tìm hiểu ban đầu, mọi người cùng nhau chọn chỗ ngồi phù hợp. Trong lúc chờ đợi, nhà hát mở những bài hòa tấu nhạc Hoa, nghe qua có thể nhận ra được một số bài quen thuộc như Bến Thượng Hải, Hà nhật quân tái lai, Người đến từ Triều Châu... 

Đang nghe bỗng dưng có người reo lên: "Ủa, bài này sao nghe quen lắm". Té ra, là ngoài những bài nhạc Hoa, còn có những bài nhạc Việt như "Sài Gòn đẹp lắm"; hoặc nhạc ngoại như "Summer kiss and winter tear", "Rhythm of the rain". 

Nhưng những bài nhạc đấy đều được hòa âm theo lối đặc trưng của nhạc Hoa. Ai mà nghe chăm chú, có khi quên mất luôn bản gốc như thế nào.

Thăp hương cho Tổ nghiệp

Thắp hương cho Tổ nghiệp

Lần lượt những chỗ ngồi được lấp đầy. Người đến tham dự đa số vẫn là cộng đồng người Việt gốc Hoa đến coi kịch Quảng Đông. Có người đi lẻ, có người đi cả gia đình. 

Có những người tóc bạc trắng, cũng có những đứa bé được cha mẹ dắt theo. Âm thanh trong rạp càng lúc càng ồn ào theo đúng đặc trưng của người Hoa. 

Một cảnh trong vở diễn

Một cảnh trong vở diễn

Ngồi gần đó có một nhóm bạn trẻ. Bạn Nguyễn Hùng cho biết: "Nhóm chúng tôi là nhóm bạn đang học tiếng Hoa. Mặc dù chúng tôi học tiếng Hoa phổ thông, nhưng được biết có những đêm diễn này, cũng tìm đến để coi kịch Quảng Đông cho biết".

Bảo tồn văn hóa truyền thống người Hoa

Đến hồi biểu diễn, cả khán phòng đều yên lặng, nhường cho không khí kịch Quảng Đông cổ truyền. Những nhạc cụ dân tộc, tiếng phèng la, tiếng trống kịch, tiếng não bạt... gõ liên hồi. 

Các diễn viên đều nhập tâm diễn xuất, xen kẽ là những tiếng cười của khán giả mỗi khi có tình huống hoạt kê trên sân khấu. Mặc dù không hiểu gì hết, nhưng nhìn thái độ tán thưởng của khán giả, dĩ nhiên không có chuyện tổ trác như lo sợ ban đầu.

Trích một đoạn biểu diễn

Xen giữa các màn diễn, có chương trình hát dân ca tiếng Quảng. Chính những khán giả có mặt tại khán phòng trình diễn các tiết mục này. 

Ngoài ra, những Mạnh Thường Quân cũng lên đóng góp thêm chi phí cho Đoàn kịch Quảng Đông. Những bao lì xì  được trao tận tay hoặc treo công khai lên một tấm nhiễu để giữa sân khấu. Cũng không thể thiếu những bó hoa tươi thắm từ khán giả.

Kết thúc buổi diễn, anh Chấn Nghiệp (người Hoa) cho biết: "Chính những đêm diễn này càng giúp cộng đồng người Hoa thêm gắn kết đồng thời cũng giúp duy trì truyền thống văn hóa của cha ông đã để lại. 

Đến xem kịch Quảng Đông, không chỉ có nhóm người Hoa gốc Quảng Đông. Các nhóm khác như Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam... cũng cùng đến chung vui".

Khán giả chụp hình lưu niệm

Khán giả chụp hình lưu niệm

Đêm 27/4 sẽ là đêm diễn cuối cùng trong 5 buổi biểu diễn của đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem