ĐHĐCĐ của Masan Group được tổ chức vào đúng lúc Tập đoàn này đón nhận những tín hiệu tích cực từ kết quả kinh doanh quý I/2022. Chỉ riêng trong quý đầu tiên của năm nay, lợi nhuận kinh doanh của Masan Group đã tăng trưởng gấp 8 lần so với quý I của năm trước. Trong đó, The Crow X (TCX)- đơn vị sở hữu Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan và Công ty CP dịch vụ thương mại Wincommer tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng này .
Từ keep going... đến kết nối vạn nhu cầu và tầm nhìn hệ sinh thái tiêu dùng- công nghệ Point of Life
Trong các năm gần đây, tại các ĐHĐCĐ thường niên, thông điệp mà Masan đưa ra luôn là "keep going..." và có lần ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ, có nhiều người đặt câu hỏi, lại "keep going" sao anh? Vị tỷ phú này trả lời xuyên suốt về keep going, đó là phải kiên trì "con đường chúng ta đi" và sẽ được tưởng thưởng bằng doanh thu, lợi nhuận từ con đường đi đó.
Mở màn bài phát biểu tại ĐHĐCĐ năm nay, vị tỷ phú đi lên từ hàng tiêu dùng Nguyễn Đăng Quang giải thích về chủ đề kết nối vạn nhu cầu (comsumer of things) để trả lời câu hỏi của nhiều cổ đông; Vì sao từ một công ty bán nước tương, nước mắm giờ lại là công nghệ?, Masan có còn là Masan không hay Masan sẽ thành một cái gì khác?
Theo ông Quang, câu hỏi lớn nhất của chúng ta, là, làm thế nào để luôn luôn ở trong sự tiến hóa, phát triển của xã hội. Masan làm gì để trước tiên vẫn thực hiện được mô hình kinh doanh với sự mệnh "phụng sự người tiêu dùng" của mình?.
Câu trả lời, đó là cần hiểu được nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng , để từ đó hàng ngày làm việc nhằm mang lại những giá trị lớn hơn cho người tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu mà người tiêu dùng chưa được đáp ứng.
Vị tỷ phú cũng nêu ra thông điệp xuyên suốt của Masan, đó là để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, tất cả chúng ta cùng phải thay đổi cùng xã hội, chứ không phải thay đổi theo. "Ngày hôm nay, chúng ta không thay đổi niềm tin đối với người tiêu dùng, mà phương tức tiếp cận sẽ thay đổi. Công nghệ sẽ thay đổi mọi thứ. Đây là cách Masan thay đổi chính mình và vẫn giữ sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng".
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định: "Triết lý đặt người tiêu dùng làm trọng tâm đã dẫn dắt Masan chuyển đổi vượt bậc thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ như ngày hôm nay.
"Niềm tin về người tiêu dùng" sẽ không bao giờ thay đổi và luôn là kim chỉ nam để Masan sáng tạo và tiên phong các xu hướng tiêu dùng mới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo là động lực thúc đẩy chuyển đổi, giúp Masan tạo ra các sản phẩm và dịch vụ độc đáo phục vụ cho từng cá nhân với chi phí tối ưu nhất. Ngày hôm nay, chúng tôi đã có trong tay một nền tảng ứng dụng trí tuệ Nhân tạo ("AI") và máy học ("ML") hàng đầu, có thể mang lại những giá trị to lớn cho đời sống tiêu dùng mỗi và mọi ngày. Chúng tôi tin rằng công nghệ AI và ML chính là con đường duy nhất để đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng một cách chính xác qua cả nền tảng offline cũng như online"- Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Tại ĐHĐCĐ, ông Danny Lê - Tổng Giám đốc Masan Group đã có bài thuyết trình về chiến lược của Masan để xây dựng mạng lưới Point of Life ("POL"). Trong đó, mục tiêu của Masan là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam thông qua các sáng kiến mang tính đột phá.
Để làm được điều này, Masan cần phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng trên quy mô lớn với chi phí hiệu quả. Thông qua Masan Consumer, Masan MeatLife và Wincommerce, Masan đã thay đổi cách người Việt Nam mua sắm và tiêu thụ thực phẩm.
Tại sự kiện năm nay, Masan đã hé lộ thêm bức tranh tổng thể để đạt được tầm nhìn hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ Point of Life ("POL"), cụ thể tái định hình xu hướng tiêu dùng của người Việt (B2C) trong giai đoạn 2021 – 2022 và tiến đến thay đổi cách các doanh nghiệp nội địa vận hành (B2B) trong giai đoạn 2023 – 2024, từ đó kiến tạo nên một hệ sinh thái B2B2C vào năm 2024 trở đi.
Hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ POL là hệ sinh thái số offline-to-online bao gồm 3 thành phần chính. Thành phần đầu tiên bao gồm các sản phẩm, dịch vụ mà Masan cung cấp cho người tiêu dùng và đối tác kinh doanh.
Thành phần thứ hai là hạ tầng thương mại kết nối tất cả các bên trong hệ sinh thái: chương trình khách hàng thân thiết, hệ thống logistics đầu cuối 4PL và giải pháp thanh toán.
Thành phần thứ ba bao gồm một nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua trí tuệ nhân tạo và máy học cũng như con người và tổ chức của Masan. Với việc xây dựng thành phần thứ 3 này, Masan sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh lõi và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách chính xác, thuận tiện, giúp người tiêu dùng và đối tác tiếp cận dễ dàng.
Hệ sinh thái POL của Masan sẽ giúp nâng cao hiệu suất trên toàn bộ chuỗi giá trị tiêu dùng như tích hợp 30.000 cửa hàng offline vào hệ thống logistics đầu cuối 4PL tạo nên một nền tảng logistics có độ phủ rộng trên toàn quốc, giúp giảm chi phí để tiếp cận người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, ứng dụng công nghệ cho phép nền tảng này nhân rộng trên cả kênh offline và online. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giảm 5% chi phí hàng hóa cho người tiêu dùng, cũng như gia tăng 5% lợi nhuận cho người bán hàng cũng như nhà sản xuất.
Mini Mall là một trung tâm mua sắm thu nhỏ. Mô hình này sẽ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm (lifestyle) tại một điểm bán WinMart+ duy nhất.
Điểm bán này sẽ có các dịch vụ, sản phẩm của Phúc Long, Techcombank, Reddi và quầy thuốc. Chính tại đây, Masan cũng sẽ đưa người dùng lên nền tảng số của Công ty thông qua việc gia nhập chương trình khách hàng thân thiết. Masan tự tin có thể mở rộng mô hình này trên cả nước, đạt mục tiêu 30.000 cửa hàng trong tương lai.
Lý giải cho sự thay đổi này, ông Danny Le giải thích, vì sao gọi là tiêu dùng công nghệ. Đó là Masan luôn tìm hiểu nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng, để thỏa mãn nhu cầu đó của họ.
Một công ty bán nước tương, nước mắm mà bây giờ nói đến chuyện công nghệ?. Câu chuyện ở đây là chúng tôi đưa công nghệ vào để phục vụ người tiêu dùng, nhờ công nghệ để xây dựng hệ sinh thái cho người tiêu dùng. Năm 2021, chúng tôi đã phủ được 98% sản phẩm tiêu dùng hàng ngày đến các gia đình Việt. Từ đó, chúng tôi đặt tầm nhìn, mục tiêu của mô hình Mini Mall tại Winmart thành một điểm dừng chân tất cả trong một cho người tiêu dùng, ở đó người tiêu dùng được mua sắm, được trải nghiệm về giải trí, tài chính, viễn thông"- ông Danny Lê chia sẻ thông điệp.
Ông Danny Lê Masan cũng khẳng định: "Masan không phải công ty về công nghệ, mà sẽ là công ty tận dụng công nghệ, dùng công nghệ để giúp người tiêu dùng được trải nghiệm các nhu cầu về mua sắm, giải trí, tài chính...".
Masan đặt mục tiêu doanh thu đạt 90.000-100.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trưởng 82 đến 124%
Tại ĐHĐCĐ năm 2022, Masan Consumer đã đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp công ty trả cổ tức bằng tiền mặt.
Theo kế hoạch tài chính được đề xuất cho năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.
Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và MHT) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022.
Lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ trong khoảng 6.900-8.5000 tỷ đồng, tăng trưởng 82% – 124% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021 (sau khi loại trừ khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi).
Riêng Công ty The Crown X dự kiến, doanh thu thuần trong năm 2022 đạt trong khoảng 68.000-76.000 tỷ đồng, tăng từ 17% đến 31% so với năm 2021.