Đây là một trong những nghịch lý mà GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh tại hội thảo khoa học Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 28/4, tại TP.Tây Ninh.
Trong báo cáo khoa học, GS Thêm phân tích, về nguồn lực vị trí địa lý, Tây Ninh cùng với Bình Phước là 2 tỉnh của Nam bộ có vị trí cầu nối giữa cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng Nam bộ. Tây Ninh là cầu nối giữa TP.HCM với thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia).
Về nguồn lực thiên nhiên, Tây Ninh cùng với An Giang là 2 tỉnh của Nam bộ có núi cao. Trong đó Tây Ninh là tỉnh có núi cao nhất (núi Bà Đen cao 986m), được mệnh danh là nóc nhà của Nam bộ.
Tây Ninh không có nhiều thế mạnh về thủy văn bằng các tỉnh Tây Nam bộ. Nhưng trong số các tỉnh Đông Nam bộ, riêng Tây Ninh với 2 con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.
Hai con sông này cùng hồ nhân tạo Dầu Tiếng làm thành một hệ sinh thái sông-hồ, và rừng đầu nguồn, với cảnh quan vùng đệm, tạo nên sự đa dạng cao về sinh học. Sự đa dạng này đang được bảo tồn tốt tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Vừa có núi cao vừa có đồng bằng và cảnh quan sông nước, Tây Ninh có sự đa dạng cao về nguồn lực thiên nhiên, GS Thêm đánh giá.
Về nguồn lực con người, Tây Ninh có đủ 4 tộc người chính của vùng Tây Nam bộ là Việt, Khmer, Chăm, Hoa. Ngoài ra Tây Ninh lại có các tộc ít người của riêng Đông Nam bộ như Xtiêng, Tà Mun.
Về nguồn lực kinh tế, Tây Ninh có đủ các loại hình kinh tế và các ngành kinh tế
Về nguồn lực văn hóa, Tây Ninh là nơi giao thoa, tích hợp của nhiều luồng văn hóa theo thời gian – từ cổ đến kim (tháp Bình Thạnh, tháp Chót Mạt, đạo Cao Đài); Theo không gian (từ Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, phương Tây) và theo chủ thể (Việt, Khmer, Chăm, bản địa Phù Nam).
Về nguồn lực du lịch, Tây Ninh là tỉnh có tiềm năng du lịch vô cùng phong phú, từ du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch lễ hội - tâm linh đến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.
Một cách vắn tắt, bản sắc độc đáo nhất của Tây Ninh nằm ở sự đa dạng phong phú về nguồn lực. "Mọi giá trị cơ bản có ở Nam Bộ đều có thể tìm thấy ở Tây Ninh. Tây Ninh có thể xem là một Nam Bộ thu nhỏ", GS. Thêm nhấn mạnh.
Theo GS Thêm, sự đa dạng phong phú không dễ gì có được về bản sắc có thể dẫn đến 2 thái cực:
Một mặt, nếu khéo lựa chọn và phát huy thì có thể biến bản sắc trở thành cội nguồn sức mạnh cho sự phát triển.
Trong trường hợp ngược lại, không nhân diện được bản sắc, không biết lựa chọn và phát huy thì nó lại có thể gây nên sự phân tán nguồn lực, làm giảm đi sức mạnh.
Thực trạng du lịch Tây Ninh suốt thời gian dài đã rơi vào thái cực thứ 2. Nghĩa là du lịch Tây Ninh chủ yếu chỉ khai thác phần rất nhỏ là du lịch hành hương về Lễ hội Núi Bà, với hạn chế cơ bản là tính mùa vụ.
Các tài nguyên đa dạng còn lại bị phân tán mạnh, đóng góp không đáng kể.
Nếu Khu du lịch núi Bà Đen chiếm gần 91% lượng khách hàng năm thì tổng lượng khách của 4 khu, điểm du lịch chính còn lại chỉ chiếm có hơn 9%.
Từ thực trạng này, GS. Thêm cho rằng những hạn chế của du lịch Tây Ninh hiện nay được thể hiện qua 2 nghịch lý cơ bản.
Trong khi bản sắc của Tây Ninh là sự đa dạng phong phú về nguồn lực thì khu du lịch núi Bà Đen - tâm điểm của du lịch Tây Ninh chưa khai thác hết thế mạnh vốn có.
Khu du lịch núi Bà Đen chỉ mới mượn tên núi, cùng các huyền thoại về Bà Đen để khai thác thế mạnh độ cao của núi Bà. Từ đó khu du lịch này thu hút du khách thông qua việc xác lập các loại kỷ lục, quảng bá cho Phật giáo Việt Nam.
Thậm chí, Khu du lịch núi Bà Đen con quảng bá cho cho Đà Lạt - Tây Nguyên khi giương khẩu hiệu xem nơi đây là một Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ.
"Trong khi đó, tâm điểm du lịch Tây Ninh lại chưa quảng bá được gì cho bản sắc rất độc đáo của quê hương Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung", GS. Thêm nhận xét.
Ngành du lịch Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, một nghịch lý nữa là, du lịch Tây Ninh chưa khai thác hết thế mạnh của những giá trị vô giá khác như các di tích lịch sử của cách mạng miền Nam, Tòa thánh Cao Đài, các tài nguyên sinh thái…
Vì thế, GS. Thêm đề nghị, tỉnh Tây Ninh cần phải xây dựng gấp một chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh.
"Chiến lược này phải phù hợp trên nền tảng một tầm nhìn hệ thống tổng thể, cho phép giải quyết 2 nghịch lý cơ bản nêu trên", GS. Trần Ngọc Thêm đề nghị.