4 nhóm giải pháp kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ

Nguyễn Vy Chủ nhật, ngày 28/06/2020 14:39 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên, một hội thảo chuyên ngành với sự góp mặt đông đủ lãnh đạo, quản lý ngành của 6 tỉnh thành miền Đông được tổ chức để hiến kế, tìm giải pháp mới cho sự phát triển liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ
Bình luận 0

Tại hội thảo "Phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ", ngày 28/6 tại Tây Ninh, ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá đây là một ngày có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với liên kết du lịch vùng Đông Nam bộ.

Ngày đặc biệt của du lịch miền Đông - Ảnh 1.

Chụp ảnh cưới trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh IT

Theo ông Chiến, liên kết và phát triển là quy luật tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không ranh giới địa lý. Do vậy, tính liên kết trong phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Một tỉnh, thành đối với du khách không chỉ là khái niệm địa lý và hành chính mà là một điểm đến. Điểm đến đó có gì hấp dẫn, có gì khác biệt với điểm đến khác, có gì thú vị để hình thành một hành trình với nhiều điểm đến mà không mang lại giá trị cảm nhận trùng lắp.

Lợi thế liên kết giữa TP.HCM và 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau.

Ngày đặc biệt của du lịch miền Đông - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi thế mạnh của các tỉnh vùng Đông Nam bộ là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển.

"Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 6 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn", ông Chiến nói.

Mặt khác, Việt Nam đã có những thành công to lớn trong kiểm soát dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến an toàn. Đây cũng được xem là thời điểm vàng để Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ nói riêng tận dụng nhiều nhất những cơ hội trong giai đoạn khó khăn này để quảng bá, xây dựng các chương trình kích cầu để lấy lại và duy trì sự tin tưởng của khách du lịch về hình ảnh điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Ngày đặc biệt của du lịch miền Đông - Ảnh 3.

Hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế về tiềm năng tự nhiên với vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long; hệ sinh thái núi rừng đa dạng cùng nhiều tài nguyên nhân văn, cái nôi của phong trào cách mạng trong các cuộc kháng chiến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng… 

Tuy nhiên, thời gian qua các lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của vùng.

Ngày đặc biệt của du lịch miền Đông - Ảnh 4.

Múa trống Chhay dăm, một nét văn hóa độc đáo của Tây Ninh

Để khai thác hiệu quả những lợi thế và nguồn lực phát triển du lịch vùng, TP.HCM đề xuất 4 nhóm giải pháp:

Trước hết là tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới; tiếp tục nghiên cứu đưa thêm sản phẩm du lịch y tế và du lịch xanh, du lịch tâm linh, vào chương trình kích cầu du lịch.

Ngoài ra, cần mở rộng liên kết với khu vực ĐBSCL và chuẩn bị liên kết với các nước tiếp giáp như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar để sẵn sàng những chương trình du lịch quốc tế hấp dẫn ngay khi Chính phủ có chủ trương.

Đẩy mạnh công tác truyền thông cho các sản phẩm đã hình thành trong khuôn khổ chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và chương trình kích cầu du lịch nội địa để tranh thủ tối đa cơ hội dành cho du lịch nội địa.

Ngày đặc biệt của du lịch miền Đông - Ảnh 5.

Quang cảnh hội thảo liên kết du lịch Đông Nam Bộ

Tiếp tục kết nối, mở rộng số lượng doanh nghiệp trong vùng tham gia các chương trình kích cầu và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác, nhất là khi TP.HCM liên kết với các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.

"Sau cùng, Việt Nam đang triển khai hoạt động dịch vụ, du lịch trong giai đoạn bình thường mới nên phải đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành, cũng như cộng đồng xã hội", ông Liêm đề xuất.

Với phương châm thiết thực - cụ thể - hiệu quả, ngay tại Hội thảo, 9 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm kích cầu du lịch với 20 đơn vị cung ứng dịch vụ tại các tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ có những chính sách ưu đãi về giá cả đến cuối năm 2020 để xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết vùng có chất lượng, giá cả hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch nội địa, dặc biệt là kích cầu du lịch đến vùng Đông Nam Bộ.

Tại Hội thảo, 3 tuyến sản phẩm liên vùng mới cũng đã được doanh nghiệp công bố bao gồm:

(1) TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề "Sắc xanh ngày mới", "Chinh phục nóc nhà Nam Bộ",

(2) TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề "Tình đất đỏ miền Đông",

(3) TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề "Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca". Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá ưu đãi từ 1.390.000đ – 1.490.000đ/ người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem