Dân Việt

Cán bộ y tế ở Phú Thọ nhận hơn 2 tỷ đồng “lót tay” từ Việt Á có thể bị xử lý thế nào?

Việt Sáng 29/04/2022 06:20 GMT+7
Theo luật sư, việc một cán bộ y tế ở Phú Thọ nhận hơn 2 tỷ đồng tiền “lót tay” từ Công ty Việt Á cần phải điều tra xác minh rõ để có chế tài xử lý phù hợp, đúng người, đúng tội.

Một cán bộ tại Phú Thọ nhận hơn 2 tỷ đồng tiền “lót tay” từ Công ty Việt Á

Theo đó, Thanh tra tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 03/KL-Ttr về thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Kết luận Thanh tra nêu, trong 2 năm 2020 – 2021, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã ký kết 8 hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 với Công ty Việt Á, tổng giá trị hơn 8,2 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đoàn thanh tra nhận được thông tin liên quan đến việc ông Trần Gia Phú nhận tiền "hoa hồng" của Công ty Việt Á.

cong-ty-viet-a.jpeg

Thanh tra tỉnh Phú Thọ xác định, ông Trần Gia Phú có nhận hơn 2 tỷ đồng tiền “lót tay” từ Công ty Việt Á. Ảnh: Tuấn Trung

Thanh tra tỉnh Phú Thọ xác định, ông Trần Gia Phú (Chi ủy viên Chi bộ xét nghiệm; Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) có nhận hơn 2 tỷ đồng tiền “lót tay” từ Công ty Việt Á.

Theo dõi vụ việc, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, liên quan đến Công ty Việt Á, đến nay không ít cán bộ y tế đã bị khởi tố.

"Nhiều cán bộ biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh.

Họ biết rõ hành vi của mình là vi phạm quy định về đấu thầu, cấu kết với doanh nghiệp thổi giá để lấy tiền Nhà nước chia nhau nhưng vẫn cố ý thực hiện, chỉ vì lợi ích trước mắt, vì số tiền bất chính có thể ăn chia nên đã bất chấp pháp luật.

Hành vi này lại diễn ra đối với lãnh đạo, cán bộ ngành y tế, một ngành đòi hỏi đạo đức cao trong hoạt động nghề nghiệp, được xã hội tôn vinh, nể trọng.

Bản chất của vụ việc là các đối tượng đã không tuân thủ quy định của luật đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu, xác định không đúng giá trị của các loại hàng hóa khi mua bằng tiền từ ngân sách", ông Cường nói.

Cán bộ nhận hơn 2 tỷ đồng tiền “lót tay” từ Công ty Việt Á có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường phân tích pháp lý xung quanh đến Công ty Việt Á.

Xác định vi phạm, mức độ vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á tại tỉnh Phú Thọ?

Liên quan đến vụ việc tại Phú Thọ, vị luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, thu thập các tài liệu chứng cứ để xem xét ông Trần Gia Phú có vi phạm hay không và vi phạm ở mức độ nào?

"Đầu tiên, cần xác định có hay không việc ông Phú thực hiện hành vi phạm quy định về đấu thầu như: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu...

Nếu cơ quan chức năng xác định, ông Trần Gia Phú có một trong những hành vi trên thì có thể bị xử lý theo điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thứ hai, trong trường hợp có căn cứ cho thấy ông Trần Gia Phú - Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có thỏa thuận dù trực tiếp hay gián tiếp với Công ty Việt Á để cho công ty này trùng thầu, bán vật tư y tế cho địa phương rồi nhận tiền "hoa hồng" thì đây là hành vi đưa và nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 354 và điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.

Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy giữa các bị can không có sự thỏa thuận, việc đưa tiền là sau khi sự việc đã diễn ra và không có sự thỏa thuận ngầm nào thì đây là tiền do phạm tội mà có sẽ bị thu hồi xung công qũy nhưng sẽ không xử lý thêm tội đưa hối lộ và nhận hối lộ trong trường hợp này bởi hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của các tội danh này.

Điều 354, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội nhận hối lộ như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; đ) Phạm tội 2 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại điều này.

Thứ ba, trong quá trình điều tra của cơ quan điều tra cho thấy ông Trần Gia Phú có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật có thể xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật hình sự", vị luật sư phân tích.

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.