Giám Đốc CDC Nam Định liên quan vụ kit test Việt Á vừa bị bắt có thể đối diện với hình phạt nào?
Giám đốc CDC Nam Định vừa bị bắt liên quan vụ Việt Á có thể đối diện với hình phạt nào?
Quang Minh
Thứ ba, ngày 26/04/2022 11:08 AM (GMT+7)
Công an tỉnh Nam định vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định liên quan vụ kit test Việt Á. Ở góc độ pháp lý, Giám đốc CDC Nam Định có thể đối diện với hình phạt nào?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp cho hay, hiện rất nhiều cán bộ lãnh đạo CDC ở các địa phương đều "thề" rằng mình không liên quan, và khẳng định "không nhận đồng hoa hồng nào".
Tuy nhiên, sau đó, những phát ngôn, "thề thốt" của một số cán bộ CDC ở địa phương đã bị cơ quan điều tra lột "mặt nạ", khởi tố và tống giam cho thấy, đạo đức của một số cán bộ trong ngành y tế hiện nay đã suy thoái nghiêm trọng.
Những hành vi vi phạm vậy là lỗi cố ý, những cán bộ này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh.
Họ biết rõ là hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, cấu kết với doanh nghiệp thổi giá để lấy tiền nhà nước chia nhau nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, chỉ vì lợi ích trước mắt, vì số tiền bất chính có thể ăn chia nên đã bất chấp pháp luật. Hành vi lại diễn ra đối với lãnh đạo, cán bộ ngành y tế, một ngành đòi hỏi đạo đức cao trong hoạt động nghề nghiệp, được xã hội tôn vinh, nể trọng.
Bởi vậy qua những vụ việc như vậy sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều người khác, đồng thời cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản nhà nước, trong mua sắm thiết bị vật tư y tế.
Luật sư Cường cho hay, bản chất của vụ việc là các đối tượng đã không tuân thủ quy định của luật đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu, xác định không đúng giá trị của các loại hàng hóa khi mua bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
Dù là tổ chức đấu thầu hay chỉ định thầu để mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế thì cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về mua sắm tài sản công, quy định của luật đấu thầu, hướng đến mục đích là để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Nhà nước chi tiền để mua những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý thông qua thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhưng các đối tượng đã cấu kết với nhau vi phạm quy định về đấu thầu, bán cho nhà nước sản phẩm kém chất lượng với giá cao ngất ngưỡng, gấp nhiều lần giá thị trường.
Vì vậy theo luật sư Cường, nếu đủ căn cứ, các đối tượng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội đưa hối lộ, nhận hối lộ; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả của những người có liên quan.
Giám đốc CDC Nam Định có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Luật sư Cường cho biết thêm, ngoài ra những sản phẩm kém chất lượng nếu lọt vào sẽ tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bệnh nên thiệt hại đối với xã hội là không thể đo đếm được. Bởi vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với nhà nước, với các tổ chức, cá nhân để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu. Ngoài ông Lưu, Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố, bắt tạm giam các bị can khác, gồm: Kế toán trưởng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài Chính, Trưởng khoa Dược và Phó khoa Xét nghiệm của CDC Nam Định.
Theo Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm. Với những bị can chỉ phạm một tội danh là tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gây ra thiệt hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận thì có thể sẽ phải chịu chế tài đến 20 năm tù.
Theo quy định của pháp luật thì người nào vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Như vậy, trường hợp kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy các bị can đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt mà các bị can phải đối mặt sẽ là khung cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đối với bị can lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm này được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự với chế tài cao nhất có thể là tử hình.
Nêu quan điểm về vụ việc bắt Giám Đốc CDC Nam Định, bạn đọc Thành Công ở TP.Nam Định cho hay, chỉ vì lợi ích cá nhân, muốn thu lợi bất chính mà một số cán bộ đã bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người bệnh, tác động tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch bệnh và gây hệ lụy khôn lường cho xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền.
"Hành vi của lãnh đạo, cán bộ ở CDC Nam Định cần phải được xác minh làm rõ, xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", anh Thành Công chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.