Sáng 28/4, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư.
Trong đó, dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk do Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk thực hiện tại tiểu khu 564, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar có quy mô lớn nhất cả về diện tích, tổng vốn đầu tư.
Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk được Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đầu tư với tổng mức vốn lên đến 1.500 tỷ đồng (2 giai đoạn).
Với dự án trên, đơn vị thực hiện sẽ xây dựng một loạt hạng mục như trại heo đẻ, trại heo mang thai, trại heo cai sữa, trại heo hậu bị, trạm điện, nhà ở công nhân viên kỹ thuật,… Dự án sẽ cung cấp heo ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ.
Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao Đắk Lắk là dự án thứ 3 trong tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Việt Nam.
Dự án này chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín, từ việc chọn lọc, sản xuất heo giống, nhà máy giết mổ heo tự động, cho đến sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ và sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Gabor Fluit - Tổng Giám Đốc De Heus Châu Á cho rằng, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có lợi thế về khí hậu, đất đai.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại đây đang được đầu tư đồng bộ phù hợp với chiến lược phát triển chuỗi dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn De Heus.
Ngoài phát triển dự án chăn nuôi heo giống công nghệ cao tại Đắk Lắk, trong thời gian tới Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus sẽ tiếp tục hợp tác đầu tư tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Chư Pứh tỉnh Gia Lai.
Dự án tại Gia Lai có quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng.
Xây dựng Tây Nguyên là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Theo ông Gabor Fluit, chuỗi những dự án tại Tây Nguyên được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan. Cụ thể, các trang trại sẽ sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch giảm thải khí CO2, áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường.
Với mô hình này, năng lượng trong chăn nuôi sẽ được tiết kiệm đáng kể. Đồng thời việc trồng trọt, chăn nuôi cũng được phát triển theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Được biết, những dự án trên sau khi đi vào hoàn thành sẽ cung cấp một số lượng lớn giống nhanh chóng và chất lượng cho toàn Tây Nguyên và các khu vực lân cận.
Cũng trong bài phát biểu sáng nay, ông Gabor Fluit cho biết mục tiêu dài hạn của hai tập đoàn lớn này là hướng tới xây dựng Tây Nguyên là vùng an toàn dịch bệnh của cả nước, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.
“Mục tiêu lớn nhất là định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam”, ông Gabor Fluit nói.