Dân Việt

TP.HCM đi trước và về trước: Dư địa, tiềm lực và sức sống thành phố mang tên Bác (bài 1)

Bạch Dương 30/04/2022 06:30 GMT+7
TP.HCM xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng để nhanh chóng khắc phục những tổn thất rất lớn do đại dịch Covid-19 và khẩn trương phục hồi kinh tế thật nhanh, thật bền vững.

LTS: 47 năm sau ngày thống nhất đất nước, TP.Hồ Chí Minh đã hồi sinh từ đống đổ nát chiến tranh và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Không chỉ giữ vai trò là "đầu tàu" kinh tế và là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, thành phố mang tên Bác còn đặt mục tiêu trở thành Trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Ðông Nam Á vào năm 2030. Hơn 2 năm qua, dịch Covid – 19 hoành hành, mặc dù chịu nhiều thiệt hại, song với những chính sách mạnh dạn, bản lĩnh vững vàng, TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua những khó khăn chưa từng có, "đi trước và về trước" kiểm soát dịch bệnh, mở cửa phục hồi nền kinh tế với tốc độ đáng kinh ngạc…

Những "cú hích" sau đại dịch Covid-19

TP.HCM xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng để nhanh chóng khắc phục những tổn thất rất lớn do đại dịch Covid-19 và khẩn trương phục hồi kinh tế thật nhanh, thật bền vững. Do vậy, chủ đề năm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp" đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tập trung thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, thời gian qua, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã trải qua những mất mát không thể đong đếm. "Chúng ta không được phép quên, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chăm lo cho những mảnh đời "đã bị tổn thương" bởi dịch Covid - 19 như là một trong những việc cần và quan trọng nhất"- bà Lệ chia sẻ.

gop/ Dư địa, tiềm lực và sức sống TP.HCM - Ảnh 1.

Kinh tế TP.HCM đã hồi phục sau đại dịch và có nhiều điểm sáng báo hiệu sự khởi sắc, cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của các doanh nghiệp TP.HCM khá tốt. Ảnh: Bạch Dương

"Chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng và cam kết, toàn hệ thống chính trị tiếp tục phấn đấu đoàn kết quyết tâm, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp hãy làm đúng, làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, ra sức học tập rèn luyện để không phụ lòng tin của nhân dân".

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM

Từ sau Tết Nguyên đán, tình hình ca nhiễm Covid-19 với biến chủng Omicron có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh nặng và số ca tử vong ở mức thấp. Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, gắn với nâng cao chất lượng khám sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là trong việc tầm soát, phát hiện, hướng dẫn, tư vấn, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Công tác tiêm vaccine được thành phố tiến hành một cách khẩn trương, khoa học với mục tiêu nhanh nhất, an toàn nhất cho người dân để thành phố sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, kinh tế thành phố đã hồi phục sau đại dịch và có nhiều điểm sáng báo hiệu sự khởi sắc, cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của các doanh nghiệp TP.HCM khá tốt.

Thành phố đã triển khai và đạt kết quả bước đầu về thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp". Ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố năm 2022; triển khai Chương trình "Chuyển đổi số của TP.HCM" và Đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh" năm 2022…

gop/ Dư địa, tiềm lực và sức sống TP.HCM - Ảnh 3.

Thành phố đã tổ chức Tọa đàm "Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM" nhằm đề xuất các nội dung xây dựng kế hoạch cải thiện và khắc phục những chỉ số thành phần PCI năm 2022; tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án cụ thể. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM(GRDP) quý I/2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng dương, tín hiệu này cho thấy thành phố đang phục hồi nhanh.

Thành phố duy trì hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; ngành du lịch mặc dù mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ nhưng có nhiều tín hiệu phục hồi khả quan và mạnh mẽ, nhất là việc Chính phủ cho phép mở cửa đón khách du lịch từ ngày 15/3.

TP.HCM chủ động, sáng tạo trong phục hồi kinh tế

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định, dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức sẽ ảnh hưởng nhất định đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, các cấp, các ngành, các địa phương, cùng cả hệ thống chính trị cần tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn…

TP.HCM đi trước và về trước: Dư địa, tiềm lực và sức sống thành phố mang tên Bác (bài 1) - Ảnh 4.

Cuộc sống đã hồi sinh trên thành phố mang tên Bác sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Bạch Dương

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, trong năm 2022, HĐND TP.HCM xác định nội dung tập trung giám sát chuyên đề về thực hiện chính quyền đô thị; về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Đồng thời, tiếp tục tập trung giám sát, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với chủ trương, biện pháp linh hoạt, phù hợp hơn,...

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, HĐND TP.HCM sẽ cùng với UBND TP.HCM tiến hành tổng kết quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 từ đó đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển thành phố phù hợp với vị trí vai trò của TP.HCM.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng.

TP.HCM tập trung hoàn thành các dự án đã kéo dài nhiều năm, các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, có tác động liên ngành, liên vùng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng bảo đảm an sinh xã hội. TP.HCM tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19; huy động nguồn lực để triển khai việc tiêm vaccine đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, TP.HCM tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân...

Song song đó, tiếp tục triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM một cách sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt lưu ý phát triển TP.Thủ Đức thành một cực tăng trưởng của TP.HCM. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch không gian ngầm đô thị…

(Còn tiếp)