Siết phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ "chết"
Cụ thể, trong quy định của Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 do Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nói riêng. Trong đó quy định doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ phải là công ty đại chúng, có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh thanh toán (ngân hàng hoặc công ty mẹ).
Quy định nhằm sàng lọc sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và bảo vệ tài sản của các trái chủ, nhà đầu tư. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là công ty đại chúng hoặc được công ty mẹ bảo lãnh hoặc có tài sản đảm bảo, nhưng vẫn lũng đoạn thị trường trái phiếu.
Điển hình nhất là Tân Hoàng Minh, dù phát hành trái phiếu với tài sản đảm bảo, song thực tế hiện nay các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này không có tính thanh khoản, không bán được, điều này đồng nghĩa quyền lợi trái chủ, nhà đầu tư vẫn không được đảm bảo.
Trong khi đó, nếu siết chặt việc gia nhập thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, các công ty không phải là đại chúng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dự án cần vốn hoặc có những dự án, có sức khoẻ tài chính vững, cân đối nợ và chi trả nợ tốt không thể thu hút được vốn ngoài xã hội, buộc phải trông chờ vào vốn tín dụng của ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, thị trường vốn đã và đang là kênh huy động, kêu gọi vốn tốt cho nhiều loại hình doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu siết chặt và quy định điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp nhỏ, cần vốn có thể gây đổ vỡ kế hoạch phát triển doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup).
Thực tế, quy định có bảo lãnh thanh toán, thực tế là đòi hỏi các ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư thay doanh nghiệp, thực tế ngân hàng cũng không có đủ nguồn lực hoặc ngại đứng ra bảo lãnh cho các nhà phát hành trái phiếu và điều này gây thêm thủ tục hành chính cho nhà phát hành trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup, Thị trường gần đây bị tác động bởi những hành động quyết liệt của Chính phủ, rõ ràng câu chuyện vẫn là tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù biện pháp gì đi nữa thì "thị trường trái phiếu riêng lẻ phải để vận hành đúng quy luật của thị trường".
"Chúng ta không thể nào áp đặt vấn đề quy định cứng rắn cho mọi ngành và cũng không thể áp dụng biện pháp cứng rắn chặn nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Không phải cứ lỗ là xấu vì có nhiều doanh nghiệp, dự án có lỗ kế hoạch, giai đoạn đầu thì lỗ nhưng dòng tiền vẫn dương, khả năng trả nợ và sức khoẻ tài chính của họ ổn, họ có đủ khả năng để đáp ứng các khoản nợ trong kỳ hạn", ông Tùng Anh cho hay.
Theo ông này, khi đưa ra các chính sách quản lý thị trường trái phiếu, nhà quản lý cần có cái nhìn về sự khác biệt giữa doanh nghiệp có khả năng trả nợ và doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, từ đó mới xử lý được doanh nghiệp lỗ, nhưng khả năng trả nợ và sức khoẻ tài chính vẫn ổn định, vẫn được tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo ông Tùng Anh, rất nhiều người đặt ra câu hỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ có phát triển theo đúng mục đích không? Doanh nghiệp lỗ có được phát hành không? Việc phân biệt rạch ròi, tránh quy định cứng nhắc khi tham gia thị trường trái phiếu hay phát hành trái phiếu là biện pháp để gạn đục khơi trong thị trường vừa đảm bảo nhu cầu vốn của doanh nghiệp cần.
"Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp doanh nghiệp gia tăng quy mô vốn nhưng với trái phiếu phát hành riêng lẻ là kênh huy động để doanh nghiệp cần vốn, có mục đích sử dụng vốn minh bạch thì hoàn toàn nên có cơ chế để cho họ quyền tiếp cận, tránh bó buộc phải chọn lựa vốn ngân hàng", ông Tùng Anh nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ luật pháp, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng: Động thái thắt chặt về việc xử lý các tình trạng sau phạm của những đơn vị, cá nhân trong việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể có tác động nhất định.
Theo ông Hà, trước đây vi phạm phát hành trái phiếu riêng lẻ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ phạt hành chính. Nhưng lần này động thái của cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra đã khởi tố bị cáo và khởi tố bị can đối với tội rất nặng là "lừa đảo chiếm đoạt".
Đại diện Công ty LUật SBLAW cho rằng, khi Chính phủ ban hành Nghị định 153, 155 là muốn khuyến khích thị trường trái phiếu riêng lẻ phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn ngoài xã hội, cơ chế cởi mở, thông thoáng. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, lách luật.
"Đơn cử như trường hợp của Tân Hoàng Minh, người ta phát hành trái phiếu cho hẳn 1 trái chủ, rồi trái chủ lại bán cho các nhà đầu tư cá nhân khác bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hợp đồng đầu tư. Dù phát hành đúng nhưng hành vi này là lách luật", ông Hà phân tích.
Theo ông Hà, gần đây, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu và trình Chính phủ theo hướng thắt chặt các quy định về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, điều kiện, cách thức kiểm tra giám sát sử dụng các nguồn vốn khi huy động…
Ông Hà nhấn mạnh: Nhiều bên nhận dự thảo đều có ý kiến là việc thắt chặt các quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi nghị 153/2020 có thể ảnh hưởng rất lớn tới việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
"Nghị định mới được ban hành theo hướng Bộ tài chính trình Chính phủ có thể ảnh hưởng tuỳ mức độ nhưng điều thấy rõ trước mắt là ít chủ thể hơn được tham gia vào thị trường này hơn bởi các nhà đầu tư cá nhân phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều này chắc chắn ảnh hưởng tới tổ chức phát hành cũng như các nhà đầu tư chứng khoán", ông Hà nói.
Theo đại diện Công ty Luật SBLAW, pháp luật không chỉ phục vụ mục đích quản lý hay để thanh tra áp dụng các chế tài, mà phải đưa ra được những quy định chính sách có thể phát triển được thị trường.
"Để hài hoà lợi ích của nhà đầu tư cũng như công tác quản lý, Bộ Tài chính cần lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cộng đồng doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp… có cách nhìn cởi mở. Không phải chỉ một vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khoá chặt thị trường lại, không nên có tư duy này khi xây dựng pháp luật, chính sách", ông Hà nói.
Đứng ở góc độ quỹ đầu tư, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital phân tích: "Làm luật có theo cách nào đi nữa cũng không nên và không thể hạn chế cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp".
"Dự thảo lần thứ 5 của Bộ Tài chính phải nói hạn chế tương đối nhiều, hạn chế từ điều kiện chủ thể phát hành cho đến mục đích phát hành…", ông Đức nói.
Đại diện Vietinbank Capital cho rằng: Rất nhiều người hay so sánh giữa sản phẩm tín dụng và sản phẩm trái phiếu và vì thế bên tín dụng thắt rồi, trái phiếu sẽ thắt theo. Tín dụng không cho phép cung cấp vốn trung và dài hạn cho việc đầu tư, đầu tư cổ phiếu hoặc mua lại phần vốn góp. Bên trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng lại dập khuôn lại như thế. Hai sản phẩm này rất khác nhau, hai sản phẩm này của hai thị trường khác nhau, do các chủ thể rất khác nhau.
Theo ông Đức, ngân hàng thương mại là một loại định chế tài chính trung gian phân phối vốn của thị trường thông qua hình thức thương mại, tức mua vốn của người thừa vốn và bán vốn cho người cần vốn, họ bị hấp thụ rủi ro hai đầu. Họ phải đảm bảo rằng có vốn để trả lại cho người đi vay và cũng thu hồi vốn được của người vay, để giảm thiểu tỷ lệ rủi ro. Việc hấp thụ rủi ro hai đầu như thế, khi rủi ro càng cao, nhu cầu siết chặt về điều kiện cho vay rất cao. Và đấy là lý do họ không đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro.
"Còn đối với nhà đầu tư, ngân hàng đầu tư hay quỹ đầu tư là hoàn toàn khác. Rủi ro của nhà đầu tư đến từ rủi ro của đơn vị phát hành, vì thế, rủi ro chỉ có 1 lần thôi và không hấp thụ 2 lần. Và đơn vị tư vấn không bị hấp thụ rủi ro", đại diện Vietinbank Capital cho hay.
Ông Đức phân tích thêm "Dường như khi làm luật, các cơ quan quản lý cho rằng sản phẩm vốn có đặc trưng rủi ro cao là sản phẩm trái phiếu phát hành riêng lẻ, cần phải giám sát và giống hệt với sản phẩm tín dụng. Đấy là một điều tôi cũng khá ngạc nhiên!"