Dân Việt

Chuyện về tuyến phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội

Kim Duyên 30/04/2022 09:26 GMT+7
Không quá lạ với tên "phố cổng làng", dọc theo mạn phía Tây đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), bắt đầu từ ngã tư chợ Bưởi làng Yên Thái tập trung nhiều công trình cổ như cổng làng, đình, đền,... đem đến cho Thụy Khuê một nét đẹp riêng mà không tuyến đường nào khác ở Hà Nội có được.

Thụy Khuê - con phố sầm uất nằm ven Hồ Tây, cũng là con phố sở hữu nhiều báu vật của Thăng Long xưa. Trong đó, có những chiếc cổng làng thường được người dân ví von là cổng làng "đẹp nhất kinh kỳ".

Chuyện về con phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội - Ảnh 1.

Qua thời gian, các di tích có thể phai nhòa đi nhưng vẫn không làm mất đi được giá trị văn hóa lịch sử của cổng làng. Cổng Giếng, cổng chính làng Yên Thái tại số 562, Thuỵ Khuê. Ảnh: Kim Duyên

Ông Nguyễn Văn Phú (80 tuổi) tự hào vì một trong những người hiểu rõ lịch sử văn hoá của làng Yên Thái. Bởi ông là người "gốc" Yên Thái và từng làm thủ từ đình Yên Thái 17 năm. Những câu chuyện cổ về Yên Thái ông đều biết rõ. Vì vậy khi được hỏi, ông kể chi tiết về từng câu chuyện.

Con phố có nhiều cổng làng cổ

Thăng Long - Hà Nội đã có hơn 1000 năm tuổi, trải qua chừng ấy năm, những tập tục văn hóa, sinh hoạt  của người dân có phần bị mai một… Nhưng có những chiếc cổng làng vẫn được người dân gìn giữ và xem như "báu vật" của người làng mình, dù những chiếc cổng ấy nằm giữa con phố tấp nập người qua kẻ lại.

Dọc phố Thuỵ Khuê, từ chợ Bưởi đi vào, cứ đi vài chục mét, xen giữa những căn nhà hiện đại lại có 1 chiếc cổng làng rêu phong. Những dân ở đây chẳng ai biết hay nhớ rõ những chiếc cổng này có từ khi nào.

Chuyện về con phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hiện tại lối đi vào làng Yên Thái vẫn giữ được vẻ cổ kính với đường lát gạch đỏ xếp theo kiểu lá dừa. Ảnh: Kim Duyên

Qua mỗi chiếc cổng làng lại thấy san sát những cổng ngõ. Là người con làng Yên Thái, nhưng ông Vũ Văn Hưng (75 tuổi) bất ngờ khi nghe thống kê của TP.Hà Nội rằng cả Yên Thái có tất cả gần 50 chiếc cổng. Ông Hưng tâm sự: "Bất ngờ khi biết TP.Hà Nội thống kê được cả làng có gần 50 cổng lớn, bé. Bao năm sống ở đây, thật không nghĩ làng còn nhiều cổng cổ đến thể".

Theo lời kể của ông Phú, làng Yên Thái có 3 thôn: Thôn Đoài (còn gọi là An Thái Đoài, thôn Cả) có cổng Giếng; thôn Thọ có cổng Hầu, cổng Xanh; thôn Đông có cổng Đông. Mỗi cổng mang 1 nét riêng và 1 câu chuyện riêng. "Trong số những cổng ra vào làng thì cổng Giếng ở thôn Đoài vẫn là nhất, khi xưa đây cổng thôn Cả là cổng to nhất, bề thế nhất", ông Phú tự hào khẳng định.

Cổng làng ở Thụy Khuê rất "lạ". Bởi lẽ không cổng nào giống cổng nào từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi cổng mang một dáng vẻ riêng, không thể hoà lẫn. Trải qua cả hàng thế kỷ, đa số những cánh cổng đều được tôn tạo trùng tu, nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính, rêu phong và chỉ phai màu theo thời gian. Mỗi cổng làng đều mang đậm dấu ấn xưa cũ với đôi câu đối bằng chữ Nho được khắc tạc hai bên.

Chuyện về con phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Phú say sưa kể những câu chuyện cổ về làng Yên Thái. Ảnh: Kim Duyên

"Trước đây tất cả các cổng làng đều có cánh bằng lim. Cổng làng chỉ mở vào ban ngày, ban đêm đóng cửa cài then chắc chắn để giữ an ninh trật tự cho cả làng. Ngày còn là thanh niên, thường xuyên phải trèo cổng, chui ngách để vào làng vì đi chơi về muộn", ông Phú nhớ lại.

"Sống đến ngần này tuổi rồi, không chỉ có tôi, mà mọi người dân ở đây đều thấy tự hào là người dân Yên Thái và tự hào hơn về những chiếc cổng làng đã có hàng nghìn năm tuổi. Chỉ tiếc chiếc cổng không còn nguyên vẹn như vài trăm năm trước vì sự thay đổi của thời gian", ông Phú tâm sự

Câu chuyện thú vị đằng sau những chiếc cổng cổ

Người dân làng Yên Thái tự hào về nghề giấy đó là truyền thống một thời, về làng Yên Thái xưa gắn liền với giai thoại "ông Dầu, bà Dầu" đã đi truyền thuyết, và những cổng làng còn sót qua hàng nghìn năm lịch sử của đất nước.

Lý giải cho lời khẳng định "cổng thôn Đoài (cổng Yên Thái) vẫn là nhất", ông Phú cho biết, trước đây, cổng Yên Thái là cổng chính, hai cổng phụ là cổng Hầu, cổng Xanh. Làng Yên Thái nằm trên đồi Kim Quy, lượn theo thế rồng bay. Đầu rồng là khu vực đình Yên Thái. Hai mắt là hai giếng khơi, một mắt là giếng nước cạnh đền Long Tỉnh trước cổng chính của làng Yên Thái, một mắt ở thôn Tiên Thượng (Nghĩa Tân ngày nay). Vì thế, cổng thôn Đoài thường được người dân gọi là cổng Giếng.

Chuyện về con phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội - Ảnh 5.

Cổng đình làng An Thọ, không chỉ có cổng Hầu, làng An Thọ còn có cổng đình bề thế, mang đậm nét rêu phong, cổ kính. Ảnh: Kim Duyên

Ông Phú tiếp tục kể về những câu chuyện gắn liền với tên của từng cổng làng. Tên cổng Hầu bắt từ câu chuyện về vị quan đầu tiên đỗ đạt trong làng. "Ngày trước, cách cổng Hầu không xa là nhà một vị quan có tiếng của triều đình, người đầu tiên của làng đỗ đạt. Vì thế mà làng trọng vọng, xây nhà lầu gác tía cho quan, cử người canh gác. Người dân có việc đến nhờ vả phải xếp hàng đợi giờ vào hầu quan, rậm rịch đêm ngày", ông Phú kể.

Chuyện về con phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội - Ảnh 6.

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến chuyển của xã hội, cuộc sống nhưng các cổng làng vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Ảnh: Kim Duyên

Cổng Xanh còn được gọi là cổng Khanh, để đối lại với cổng Hầu, ý là những người được phong tước cao nhất triều đình (Công, Hầu, Khanh, Tướng). Tiếp lời ông Phú, ông Hưng khẳng định, các cụ ngày xưa giỏi, hiểu biết chữ Nho, họ đặt tên cổng đều có những ý nghĩa nhất định, không chỉ đơn thuần là tên mà mỗi cái tên còn gắn liền với 1 câu chuyện, một ý nghĩa sâu xa.

Hiện nay, tư liệu gốc về làng Yên Thái, về những cổng làng cổ đã không còn nhiều. Nhắc về làng Yên Thái, người ta chỉ còn nhớ, câu ca dao nổi tiếng: "Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ".

Chuyện về con phố có cổng làng cổ được ví là “đẹp nhất kinh kỳ” ở Hà Nội - Ảnh 7.

Kết cấu bên trong một chiếc cổng làng vẫn mộc mạc, đơn sơ như thuở sơ khai. Cổng Xanh tại địa chỉ 514, Thụy Khuê. Ảnh: Kim Duyên

Sau cuộc trò chuyện cùng ông Phú và người dân Yên Thái, tôi nhận ra, sau tất cả niềm tự hào của người dân nơi đây, là nét buồn thoáng hiện trên ánh mắt, có lẽ họ đang trăn trở về việc bảo tồn những giá trị văn hoá do ông cha để lại của đời sau.