Hà Nội: Ly kỳ chuyện giếng Mắt Rồng trong làng Yên Thái
Hà Nội: Ly kỳ chuyện giếng Mắt Rồng trong làng Yên Thái
Kim Duyên
Thứ sáu, ngày 29/04/2022 09:20 AM (GMT+7)
Trên đường Thụy Khuê tấp nập người qua lại, ẩn đằng sau đó là những câu chuyện ly kỳ mà chỉ người dân gốc Yên Thái mới hiểu rõ. Làng Yên Thái (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) là một trong những ngôi làng cổ tại Hà Nội gắn liền với truyện "ông Dầu, bà Dầu".
Nhắc đến Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay tới 36 phố phường, gắn với lịch sử phát triển của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Nhưng ai ít biết rằng, làng Yên Thái cũng là một chứng nhân lịch sử từ thời vua Lý Nhân Tông.
Không phải người dân nào sống tại Yên Thái đều hiểu về lịch sử nơi đây. Đến Yên Thái vào một chiều tháng 4, chúng tôi được hiểu hơn về lịch sử của làng Yên Thái khi may mắn được gặp bà Hồ Thuý Lan (70 tuổi) và trò chuyện với các cụ cao niên trong làng.
Là cán bộ phường Bưởi đã về hưu, cũng là người trông nom tại khu di tích đình Yên Thái, dường như bà Lan đã thuộc làu những câu chuyện về làng, bà kể chi tiết với phóng viên từng câu chuyện gắn với từng di tích lịch sử của làng Yên Thái.
Theo lời kể của bà Lan, làng Yên Thái gắn liền với câu chuyện ông Dầu, bà Dầu. Đời vua Lý Nhân Tông, hai sông Thiên Phù và Tô Lịch hợp lưu vào một góc của thành Thăng Long.
Do nước sông chảy xiết, 2 bờ một bên lở một bên bồi nên việc xây thành gặp nhiều khó khăn, dù nhân lực đã hết nhưng thành xây mãi không xong, khiến nhà vua lo nghĩ nhiều dẫn đến đau mắt.
Nghe được tin cần một người hi sinh để trấn yểm khúc sông, đôi vợ chồng chuyên đi bán dầu qua khúc sông ấy đã tự nguyện nhảy xuống sông Tô Lịch hiến mình cho hà bá để giúp vua, giúp nước theo lời chỉ dẫn của thầy phong thủy. Ngay sau đó nước tại khúc sông trở nên yên lặng, thành xây xong và bệnh đau mắt của nhà vua cũng khỏi hẳn.
Kỳ lạ, khi nhà vua cho người xuống mang thi thể của ông, bà lên để an táng tại khu đất cạnh sông, nhưng chưa kịp làm lễ thì thi thể hai ông bà biến mất và xuất hiện một ụ đất lớn. Nhớ công lao của ông bà, nhà vua phong tước và cho xây đình thờ ngay tại đó, gọi là đình Yên Thái, nay là số 586, Thụy khuê (ngã ba Thụy Khuê - Lạc Long Quân). Làng An Thái cũng bắt đầu từ đó.
Hàng năm, người dân vùng An Thái xưa tổ chức 2 ngày lễ lớn: lễ tế Xuân (10/2 âm lịch) được thực hiện nguyện vọng "mùa xuân hoà xem ca hát, yến ẩm có gà mái ghẹ thêm cơm nếp" của ông Dầu, bà Dầu trước khi mất. Và chọn ngày 30/11 (âm lịch) là ngày mất để tưởng nhớ công lao của ông bà.
Qua hàng nghìn năm, sự tàn phá của chiến tranh di tích đình Yên Thái bị mai một. Bà Lan nhớ lại: "Sau giải phóng Thủ đô (1954), đình được dùng để dạy học cấp 1 và cấp 2. Đến năm 1972, giải phóng miền Nam, thành lập hợp tác xã thì đình lại trở nơi để bà con xã viên làm dịch vụ buôn bán kinh doanh nhỏ. Về sau khi đất nước phát triển, người dân trong làng mới tìm phục dựng lại những bức hoành phi, câu đối cổ. Sau nhiều lần trùng tu đình Yên Thái mới được như bây giờ".
"Năm nào cũng vậy, cứ đến 2 ngày lễ lớn cả làng Yên Thái lại đông vui như đi hội. Người dân Yên Thái luôn mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hoá của ông cha và truyền lại cho nhiều thế hệ sau", cụ Đỗ Thị Hà (80 tuổi) tâm sự.
Chuyện giếng Mắt Rồng
Không chỉ câu chuyện ông Dầu, bà Dầu mà giai thoại giếng Mắt Rồng cũng là một câu chuyện cổ tại làng Yên Thái mà ít ai biết đến. "Giếng nằm đối diện với cổng làng Yên Thái (ngõ 562, Thụy Khuê ngày nay) nên được gọi là giếng Yên Thái, hay còn được gọi là Long Tỉnh", cụ Đỗ Thị Hà Hà cho biết.
Tương truyền, giếng là con mắt phải của Rồng, thân Rồng là đường Nam Thăng Long, con mắt trái cũng là một giếng Mắt rồng bên làng Bái Ân (phường Nghĩa Đô), cạnh đền thờ em trai ông Dầu.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng Yên Thái, khi xưa dân làng Yên Thái rất quý giếng Long Tỉnh, coi chiếc giếng cổ như một báu vật của làng. Hằng năm, dân làng chọn một ngày đẹp trời tổ chức ngày hội nạo vét giếng. Trước khi xuống dưới đáy giếng vớt rác, khơi thông các mạch ngầm, mọi người phải vào đền Long Tỉnh để làm lễ xin phép.
Điều lạ, vào mùa khô, các giếng ở làng khác đã trơ đáy thì giếng Mắt Rồng làng Yên Thái vẫn đầy ắp nước, phục vụ cả ba làng vừa ăn uống vừa sinh hoạt, phục vụ nghề làm giấy cả vùng. "Giếng không bao giờ hết nước, dân làng lấy nước đến đâu, mạch nước lại cuộn lên đến đó", cụ Hà kể.
Kể đến đây, cụ Hà bỗng trầm giọng xuống chia sẻ với niềm tiếc nuối: "Tiếc rằng do quá trình đô thị hoá, giếng không còn khơi mạch. Quá trình quy hoạch thành phố, triển khai nhiều dự án xã hội giếng đã bị lấp hoàn toàn, giờ chỉ còn lại ngôi đền Long Tỉnh".
Tuy nhiên, việc khôi phục lại giếng Mắt Rồng vẫn luôn là mong muốn của một số người dân làng Yên Thái. Cụ Hà chia sẻ thêm, trong một số cuộc họp tổ dân phố, họp ban quản lý di tích đã có ý kiến muốn tôn tạo, khôi phục lại giếng nhưng đến nay, vẫn phải chờ khảo sát ý kiến của người dân và quyết định của chính quyền địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.