Dân Việt

Chủ tịch Công ty AIC bị khởi tố, có thể phải đối diện khung hình phạt nào?

Quang Minh 30/04/2022 12:01 GMT+7
Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và Chủ tịch Công ty AIC để làm rõ những sai phạm liên quan đến mua sắm thiết bị y tế. Ở góc độ pháp lý, những người bị khởi tố có thể bị xử lý sao?

Cần phải "mạnh tay" đối với những cán bộ biến chất

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, đây không phải là vụ án đầu tiên liên quan đến việc xử lý cán bộ ngành y tế vi phạm quy định về đấu thầu, quản lý tài sản Nhà nước khi mua sắm máy móc, thiết bị y tế.

Tuy nhiên vụ án này một lần nữa cho thấy sai phạm trong việc mua máy sắm máy móc thiết bị y tế đã trở thành vấn nạn trong ngành này. 

Trong thời gian qua hàng loạt bệnh viện lớn, trung tâm kiểm soát bệnh tật và cán bộ cao cấp của ngành y tế bị xử lý liên quan đến mua sắm máy móc thiết bị, liên quan đến hoạt động đấu thầu, quản lý tài sản công... cho thấy đã có những lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực này và đạo đức của một bộ phận cán bộ ngành y tế đã xuống cấp trầm trọng.

Những hành vi vi phạm trong việc mua sắm máy móc thiết bị y tế thường là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ...

Giám đốc Sở y tế Đồng Nai có thể phải đối diện với hình phạt nào? - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ. Ảnh: BaoDongNai

Pháp luật quy định hoạt động mua sắm tài sản công nói chung, mua sắm máy móc thiết bị y tế nói riêng phải thông qua thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định của luật đấu thầu. 

Dù là đấu thầu hay chỉ định thầu thì việc xác định giá cả của hàng hóa dịch vụ mua sắm là điều rất quan trọng. Với những người có chuyên môn trong ngành y tế thì việc xác định giá cả các máy móc thiết bị y tế là chuyện rất đơn giản.

Tuy nhiên nhiều người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, cấu kết với đơn vị đấu giá, thẩm định giá, đơn vị kinh doanh thiết bị để nâng không giá thiết bị, hợp thức hóa hồ sơ, vi phạm quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, sản phẩm kém chất lượng giá cao. 

Theo quy định của luật đấu thầu thì hoạt động đấu thầu để mua sắm máy móc thiết bị y tế đòi hỏi phải công khai, minh bạch, khách quan, không được can thiệp vào hoạt động đấu thầu. Tổ chức đấu thầu phải đúng quy trình, quy định.

Các bị can có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Cường, trong vụ án trên cơ quan điều tra đã khởi tố giám đốc sở y tế và một số cán bộ thuộc cấp, giám đốc công ty cung cấp thiết bị, công ty thẩm định giá về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tội danh này được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015.

Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, kết quả điều tra ban đầu xác định bị can Vũ và Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có sự móc ngoặc với đơn vị thẩm định giá thực hiện nhiều hành vi sai phạm quá trình xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng.

Bởi vậy, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều đối tượng, trong đó có giám đốc Sở y tế Đồng Nai, Chủ tịch công ty AIC và nhiều cán bộ nhân viên khác có liên quan.

"Với số tiền gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng như vậy các bị can trong vụ án này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", luật sư Cường nêu.

Giám đốc Sở y tế Đồng Nai có thể phải đối diện với hình phạt nào? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Ngoài tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các đối tượng có thỏa thuận với nhau về việc thực hiện hành vi trái pháp luật để hưởng lợi hay không, có chung chi khi thực hiện hành vi trái pháp luật hay không. 

Trường hợp có căn cứ cho thấy các cá nhân của doanh nghiệp này đã thỏa thuận với giám đốc sở y tế và các cán bộ có liên quan về việc thực hiện công việc theo yêu cầu của những người này thì sẽ được ăn chia tiền thì cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ. 

Nêu quan điểm về vụ việc bạn đọc Thanh Khải, ở Đồng Nai (hiện đang sinh sống ở Hà Nội) cho rằng, vụ việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cán bộ thoái hóa, biến chất, vì lợi ích cá nhân, vì cám dỗ vật chất mà đánh đổi danh dự, uy tín của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

"Qua những vụ án như thế này cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động mua sắm tài sản công nói riêng, mua sắm thiết bị y tế nói chung. Sửa đổi bổ sung các quy định của luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, luật đấu thầu, đấu giá tài sản để làm cơ sở xác định chính xác giá cả tài sản trong mua sắm tài sản công.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu và làm tốt công tác cán bộ. Với những cán bộ không đủ năng lực trình độ, không đủ phẩm chất, đạo đức thì kiên quyết không bố trí vào những vị trí quan trọng liên quan đến việc mua sắm tài sản công, quản lý lý kinh tế" bạn đọc Thanh Khải chia sẻ.

Ngày 29/4, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở y tế, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can thuộc Công ty AIC gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc; Hoàng Thị Thúy Nga, nguyên phó tổng giám đốc; Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiên Thu, Hoàng Thế Quỳnh đều là nhân viên Công ty.