Dân Việt

Bắt lãnh đạo Vụ Giám sát Thị trường chứng khoán: Thế nào là Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác?

PV 30/04/2022 15:50 GMT+7
Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại Điều 361 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt lên đến 7 năm tù giam.

Bắt lãnh đạo Vụ Giám sát Thị trường chứng khoán về Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác

Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 21/QĐ-ANĐT ngày 29/4/2022, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài Chính, về tội Cố ý làm lộ bí mật công tác theo quy định tại khoản 1, Điều 361 Bộ luật Hình sự. 

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã điều tra vụ án "Cố ý làm lộ bí mật công tác", xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QD-ANĐT ngày 29/4/2022.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được thi hành.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bắt lãnh đạo Vụ Giám sát Thị trường chứng khoán: Thế nào là Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác? - Ảnh 1.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án "Cố ý làm lộ bí mật công tác", xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa.

Khung hình phạt Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác

Điều 361 Bộ luật hình sự quy định 2 tội phạm riêng biệt, gồm: Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác và Tội Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác.

Bí mật công tác ở đây cũng là bí mật Nhà nước nhưng gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn.

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là làm lộ bí mật công tác. Nhưng biểu hiện của hành vi làm lộ lại tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật.

Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: Kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật bằng nhiều hình thức như truyền miệng, đăng báo, truyền thanh, truyền hình...

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật Nhà nước được.

Chính vì thế, chủ thể của Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác chỉ là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án "Cố ý làm lộ bí mật công tác" vừa được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, ông Nguyễn Hùng đang giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (Bộ Tài chính).

Tội danh kể trên được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của tội phạm nhưng mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra.

Theo điều 361 Bộ luật hình sự 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017): Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 100 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác có khung hình phạt bổ sung là: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.