Dịp nghỉ lễ 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5, hàng triệu lao động tự do vẫn bươn chải, vật lộn với nắng nóng để mưu sinh.
Ba Lê Thị Thi chia sẻ với PV Dân Việt về công việc phụ hồ.
Ở tuổi 59, đúng ra nhiều người đã về hưu, thế nhưng bà Lê Thị Thi (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còng lưng trộn vôi vữa, cho thợ xây.
12 năm nay bà cùng chồng theo đội thợ xây đi làm kiếm tiền. Trước đây gia đình làm thuần nông, thi thoảng chạy thêm chợ nhưng thu nhập kém không đủ tiền nuôi các con ăn học nên bà đành phải nghỉ để đi làm nghề phụ hồ.
Giữa cái nắng đầu mùa oi ả, gương mặt thấm đẫm mồ hôi, đôi vai gầy, đôi tay bà vẫn thoăn thoắt xúc từng xẻng cát, đổ từng yến xi trộn đều tạo nên những thùng vữa cung cấp cho đội thợ xây.
Công việc tuy có vất vả nhưng đổi lại thu nhập khá nên vợ chồng bà chọn công việc này làm nghề chính. "Lương được tính theo ngày công, mỗi ngày công được 300.000 đồng/người/ngày. Tính tiền công cao, nhưng không phải tháng nào cũng làm đủ ngày công, vì thế thu nhập thất thường, tháng cao tháng thấp, có tháng được 7-8 triệu đồng nhưng cũng có tháng chỉ 4-5 triệu đồng", bà Thi nói.
Bà Thi cho biết, nhà có 5 người con, các con lớn thì đã lập gia đình hết, chỉ còn cậu út là sinh viên. Tuổi bà cao nhưng vì con còn đang học nên hai vợ chồng phải cố gắng đi làm thêm vài năm.
Thân hình nhỏ bé, bà phải vác thùng vôi vữa 30-40kg, nhiều lúc bà cũng cảm thấy kiệt sức.
"Không phải cứ làm nhiều là quen đâu. Giờ có tuổi rồi nên nhiều khi gặp mưa nắng thất thường cái là lăn ra ốm ngay. Biết vậy nhưng vẫn phải cố gắng thôi, tất cả vì đồng tiền", bà Thi chia sẻ.
Bà Thi cho biết, bà cũng như nhiều lao động di cư khác chỉ biết đến ngày lễ 30/4 chứ chẳng hay trên thế giới có Ngày Quốc tế lao động 1/5 để tôn vinh toàn thể những người lao động trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (65 tuổi, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những người phụ nữ như vậy. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Nguyệt ngồi vỉa hè, cạnh chung cư FLC Đại Mỗ để bán mấy thứ rau củ, quả lặt vặt.
"Cả nước hiện có 54 triệu lao động, trong đó có gần 2/3 là lao động khu vực phi chính thức. Rất ít trong số này có BHXH (chỉ có 1,1 triệu lao động) và BHYT. Cần có giải pháp hỗ trợ bảo vệ lao động tự do như: tăng đảm bảo an toàn lao động; hỗ trợ họ tham gia BHXH tự nguyện; tăng cường các chính sách pháp luật lao động... cho họ".
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó viện Trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light)
Bà Nguyệt kể, trước đây lúc còn trẻ, bà làm nông nghiệp rồi đi bán hoa quả rong, đi bộ đến trầy da. Có ngày bà đi bộ 20-30km trên mấy tuyến phố cổ để bán hàng rong. Giờ có tuổi, sức khỏe lại yếu bà chọn ngồi một góc vỉa hè, bán buôn rau củ kiếm tiền đi chợ, sinh hoạt qua ngày.
"Mình không có lương (lương hưu -PV), không giàu có gì nên già vẫn phải cố làm việc thôi cháu. Không làm thì không có cái ăn, thế nên mưa hay nắng vẫn phải ngồi", bà Nguyệt kể.
Nhớ lại quãng thời gian trước, bà còn cảm thấy sợ. Chồng ốm, con nhỏ mình bà phải gồng gánh nuôi 2 con. Nhiều lúc bà nghĩ muốn xin làm công ty cho nhẹ nhàng, về già có tí lương hưu nhưng không ai lo công việc nhà cửa, đưa đón con cái đi học nên đành phải làm tự do.
Khi phóng viên hỏi sắp đến dịp nghỉ lễ, bà có nghỉ làm đi chơi cùng gia đình không, bà Nguyệt cười gượng, bà bảo cũng muốn đi lắm nhưng già rồi, đi xe không quen toàn say xe nên ở nhà.
Bà Nguyệt cho biết đã 65 tuổi, nhưng bà chưa một lần nghe tới Ngày Quốc tế lao động. Bà chỉ biết tới ngày nghỉ lễ 30/4 chứ không hề biết là trên đời còn có một ngày dành riêng cho người lao động gọi là “Ngày Quốc tế lao động".
"Tôi chỉ mong có sức khỏe đi làm kiếm tiền nuôi các con. Đứa lớn vừa ra trường, đứa bé thì mới học hết năm 3 đại học. Vì thế, lễ tết gì vẫn đi làm, miễn là có người mua, có người ủng hộ", bà Nguyệt nói.
Anh Nguyễn Viết Nam, 43 tuổi (Nam Định) cùng vợ lên Hà Nội đã 10 năm. 10 năm làm nghề buôn bán, là 10 năm anh lăn lộn đủ nghề. Từng đi thu mua đồng nát, mở quán ăn vỉa, làm nghề cắt tóc... làm gì cũng thất bát nên anh về bán hoa quả vỉa hè. Nơi anh ngồi bán là một đoạn vỉa hè lởm chởm gạch đá chưa được đặt tên, chạy dài từ đường Sa Đôi (Đại Mỗ) kéo dài sang Aeon Hà Đông. Mỗi lần có cơn gió bay qua cuốn theo bụi mù trời, mặt mũi nhá nhem vì bụi.
Giữa cái nắng tháng 4, chiếc dù che nắng dường như chưa đủ để hạ nhiệt. Gương mặt cháy sạm vì nắng, mồ hôi lả tả, anh bốc mấy thùng cam, quýt đặt lên kệ. Phơi mặt ra đường đã 5 tiếng đồng hồ từ sáng, nhưng tới giờ mới chỉ bán được 5-6kg quả.
"Buôn bán giờ khó, người mua thì ít kẻ bán thì nhiều vì thế cạnh tranh khắc nghiệt lắm. Nghỉ bán một hôm cái là có người ra tranh chỗ ngay. Thế nên đâu dám nghỉ kể cả lễ tết", anh Nam nói.
Mặc dù vậy, không đi thì sợ bị mất chỗ mà đi thì ế vì ngày lễ tết khách vắng. Ngày bình thường anh bán tốt thì kiếm được 200-300.000 đồng, ngày ế thì chỉ được vài chục, không đủ tiền ăn.
20 năm lăn lộn mưu sinh, anh chưa từng nghĩ tới việc sẽ được “về hưu” hay nghỉ lễ, hoặc đưa gia đình đi chơi như ai đó. Điều duy nhất anh có thể nghĩ tới lúc này là hy vọng tới lễ lượng khách mua hàng đông hơn, kiếm thêm được ít tiền gửi nuôi 2 con ăn học ở quê.
Ngày lễ cũng như ngày thường, những lao động tự do như bà Thi, bà Nguyệt hay anh Nam chỉ mong sao "chân cứng đá mềm" có sức khỏe để đi làm kiếm thêm được đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học.