Trong tập 7 Tây Du Ký bản 1986, không phải ngẫu nhiên mà Tôn Ngộ Không thu phục được Trư Bát Giới, không phải ngẫu nhiên Trư Bát Giới có mặt tại nhà Cao lão trang.
Dù bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới, đầu thai kiếp lợn, tu luyện thành tinh nhưng Bát Giới vẫn chứng nào tật nấy.
Bát Giới hóa thân thành một người giúp việc, ăn khỏe làm khỏe và được gia đình họ Cao hết mực quý mến, đồng ý gả cho con gái là tiểu nữ Cao Thuý Lan.
Lại nói đến vợ chồng Cao Lão Thái có 3 người con gái và Thúy Lan là út.
Khi thầy trò Đường Tăng - Tôn Ngộ Không gặp Trư Bát Giới ở Cao lão trang thì y đã có một gia đình, hàng ngày làm lụng rất chăm chỉ "xới đất khơi cừ, khuân ngói gánh gạch, cấy ruộng bừa nương, gieo mạ cấy lúa, sinh cơ lập nghiệp...".
Tôn Ngộ Không đã có lời khen trước mặt Cao lão gia - bố vợ của Trư rằng "Y tuy dạ dày to, có ăn mất của ông một ít cơm nước nhưng cũng làm được cho ông rất nhiều việc tốt. Mấy năm trời ông kiếm được bao nhiêu tiền đều nhờ vào sức y cả, y chưa từng ăn hại...".
Trư Bát Giới rất yêu thương Thúy Lan, chăm chút, khiến cho "thân nàng mình mặc áo gấm tay đeo xuyến vàng, bốn mùa có hoa quả hưởng dụng, tám tiết thừa rau dưa nấu nướng...".
Tuy nhiên đến ngày cưới, do thói phàm ăn nên Trư ta bị lộ nguyên hình là một con lợn xấu xí.
Cả gia đình Cao lão gia sợ hãi, Cao Thuý Lan hoảng hốt đòi huỷ hôn. Tức giận, Bát Giới đã bắt cóc Thúy Lan, nhốt nàng vào tòa hậu lâu của gia đình cô.
Sau khi bị Tôn Ngộ Không thu phục, theo sư phụ Đường Tăng đi thỉnh kinh nhưng lòng Trư Bát Giới vẫn nặng trĩu chuyện vợ con, trước khi đi, y dặn bố vợ "trông nom nhà con cẩn thận, hễ lấy không được kinh, con lại hoàn tục về nhà làm ăn như trước...".
Có lẽ chính vì lý do này mà mỗi khi Đường Tăng gặp nạn, Trư Bát Giới đều "thừa nước đục thả câu", chuyên bàn lùi và nằng nặc đòi về nhà.
Quay trở lại câu chuyện Trư Bát Giới có mặt tại nhà Cao lão gia. Đó không phải chuyện ngẫu nhiên, đó là chuyện đã được an bài. Nhưng ai đã làm chuyện này?
Nhân vật ấy được chính Trư Bát Giới tiết lộ với Tôn Ngộ Không.
Bị Tôn Ngộ Không đánh, Trư Bát Giới tức giận nói: "Bật Mã Ôn, mi mà đánh chết ta, mi phải chịu tội nặng đấy. Thôi đừng đánh ta nữa".
Tôn Ngộ Không nói: "Tại sao mi ở đây?".
Trư Bát Giới thành thật khai báo: "Bồ Tát dặn tôi ở đây chờ người đi lấy kinh", sau đó Bát Giới thưa với Đường Tăng rằng: "Sư phụ, Bồ Tát dặn tôi ở đây chờ ngài. Bồ Tát đã đặt tên cho tôi là Trư Ngộ Năng, phải kiêng 3 điều".
Ra là vậy, mọi chuyện của Đường Tăng và chuyến hành trình thu phục đệ tử đều nằm trong tay của Phật Tổ và Bồ Tát!
Thẳng thắn mà nói, bản tính của Trư Bát Giới hiền lành, chất phác. Còn gia đình Cao lão gia có phần tham lam khi lợi dụng Trư để làm giàu cho gia đình mình.
Thế mới nói, Trư Bát Giới đại diện cho chữ Tình. Chữ Tình đại diện cho dục vọng, ham muốn của con người. Chính những ham muốn này cũng góp phần không nhỏ khiến cho con người ta ghét bỏ với cái Tâm (Tôn Ngộ Không).
Cũng bởi vậy nên Ngộ Không với Bát Giới cãi nhau rất thường xuyên và Đường Tăng có phần cưng nựng Bát Giới hơn bởi suy cho cùng cho dù thiện lương hay đắc đạo đều thích nghe lời ngon tiếng ngọt.
Hành trình thỉnh kinh thực chất là một quá trình tự hoàn thiện của con người qua thử thách.
Quan Thế Âm Bồ Tát đặt tên cho Thiên Bồng Nguyên Soái là Trư Ngộ Năng triết tự là: Chữ "Trư" nghĩa là lợn, tượng trưng cho dục vọng của người tu luyện; còn chữ "Năng" nghĩa là tài năng, bản lĩnh, và khả năng.
Trư Ngộ Năng có nghĩa là "con lợn (tái sinh) ngộ ra khả năng của mình" để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng.
Đến khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Đường Tăng đã đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là "Tám ranh giới bị kiềm chế" (không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay) để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình.
Trong ba sư đồ thì Bát Giới dường như lại là người "kém cỏi" nhất.
Bát Giới vốn là hạng phàm phu tục tử, biếng lười trụy lạc, loạn tính dâm tòng. Xuất phát điểm như thế, nên Bát Giới trong quá trình tu luyện cũng phải đối mặt với hết thảy mọi nhân tâm và dục vọng.
Hay nói theo cách khác, vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở "Ngộ Năng" và "Bát Giới", cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.
Khi đến núi Linh Sơn lĩnh hội chân kinh, Phật Tổ Như Lai nói: "Tuy tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết, nhưng dọc đường gánh hành lý có công, gia phong nhà ngươi chức chính quả là Tịnh Đàn Sứ Giả".
Nghe vậy, Bát Giới miệng lầu bầu: "Mọi người đều thành Phật, tại sao chỉ mỗi mình con là Tịnh Đàn Sứ Giả?".
Ở đây thâm ý của tác giả quá rõ ràng, hoàn thiện một con người không phải là xóa bỏ cái tâm dục vọng mà hướng cái tâm đó vào con đường lành mạnh.
Như Lai lại nói: "Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?".
Nhưng bên cạnh một Trư Bát Giới với những nhược điểm trên là một nhân vật với rất nhiều đức tính tích cực.
Trước hết, Trư là người cương cường, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ ma chướng nào dù là loại hung dữ nhất hay gặp phải những hoàn cảnh khủng khiếp nhất (bị ninh, bị nấu, bị đánh, bị bắt trói dìm sông, bị treo lên cột hàng mấy ngày liền...).
Trư Bát Giới là nhân vật phức tạp nhất và do vậy, y cũng là nhân vật nhiều chất "người" nhất, kể cả tính tốt lẫn tính xấu và là nhân vật sinh động nhất trong tác phẩm Tây Du Ký.