Dân Việt

Gặp gỡ họa sĩ biến "kỳ lân châu Á” thành linh vật của SEA Games 31

Nguyễn Đức Minh 01/05/2022 06:11 GMT+7
Hình ảnh Sao la, linh vật của SEA Games 31 xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với các pano truyền thông đã được ông Ngô Xuân Khôi (Đống Đa, Hà Nội) thiết kế.

Ông Khôi được biết đến là một họa sĩ với các bức hình minh họa trên báo chí và nổi tiếng trong giới thiết kế bìa sách ở Việt Nam.

20 năm vẽ bìa sách và vẽ minh họa cho nhiều tờ báo

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt có dịp gặp họa sĩ Ngô Xuân Khôi ở thời điểm ông đã cận kề hưu trí. Thế nhưng, tuổi tác dường như cũng "bất lực" trong việc ngăn trở sức sáng tạo cũng như niềm say mê với nghệ thuật của ông.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, rồi công tác một thời gian NXB Thế giới, sau đó ông chuyển công tác và gắn bó với NXB Phụ nữ đến bây giờ.

Trong thời gian công tác, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã dùng đôi bàn tay tài hoa của mình, thiết kế hàng nghìn bìa sách khác nhau. Bên cạnh đó ông cũng làm cộng tác viên vẽ minh họa cho rất nhiều tờ báo ở Hà Nội như: Báo Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ trẻ …

Gặp gỡ họa sĩ “biến kỳ lân Châu Á” quý hiếm thành linh vật của SEA Games 31 - Ảnh 1.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, cha đẻ của mẫu thiết kế linh vật SEA Games 31. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Họa sĩ Khôi chia sẻ rằng: "Được vẽ trên báo là một vinh dự nhưng cũng là một thử thách. Vì đó là tờ báo tiếng tăm và rất là có uy tín trong giới văn học nghệ thuật, nên họ đòi hỏi những tiêu chí rất là khắt khe. 

Làm sao người vẽ phải có bản sắc, có cá tính những vẫn mang chất nghệ thuật. Người vẽ cũng phải đồng cảm, phải thẩm thấu được cái tác phẩm văn học đấy để thể hiện bằng hình ảnh".

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961, tại Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông tốt nghiệp ngành Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1991, hiện là họa sĩ trưởng của NXB Phụ nữ Việt Nam.

Hiện nay, nhiều họa sĩ đa phần đã chuyển hướng theo con đường vẽ tự do, để được thỏa sức sáng tạo, vùng vẫy trong thế giới mà họ tự tạo ra. Thế nhưng họa sĩ Ngô Xuân Khôi vẫn miệt mài làm công việc vẽ bìa sách, vẽ minh họa suốt 20 năm qua.

Khi gặp họa sĩ Khôi, chúng tôi đem thắc mắc vì sao ông không đi theo con đường của những họa sĩ tự do như hiện nay để thỏa sức sáng tạo, mà lại phải thu mình lại như vậy? 

Họa sĩ Khôi cười và đáp lại: "Tất nhiên là khi tôi theo nghiệp vẽ bìa sách thì cũng bị giới hạn nhiều. Ví dụ như là họa sĩ tự do thì sẽ được thể hiện cái tôi nhiều, làm những điều họ thích. Còn tôi làm xuất bản, hoặc là đi vẽ minh họa có những cái giới hạn nhất định, ví dụ như đây là cơ quan truyền thông, cơ quan chính thống của nhà nước có những quy tắc, có những luật lệ nhất định.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, làm lĩnh vực gì cũng thế thôi, đừng lấy cái ranh giới kia để biện minh cho sự sáng tạo của mình. Thực ra trong một cái khuôn khổ nào đấy, anh vẫn rất tự do, vẫn thừa sức sáng tạo, chỉ sợ anh không đủ năng lực để anh vùng vẫy thôi, chứ người ta có cấm anh sáng tạo một cái đẹp đâu".

Gặp gỡ họa sĩ “biến kỳ lân Châu Á” quý hiếm thành linh vật của SEA Games 31 - Ảnh 3.

Một vài bức tranh minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Khi được tận mắt chứng kiến những bức vẽ của ông, chúng tôi cảm thấy bản thân mình như lạc vào một thế giới đầy màu sắc. Đó đôi khi là những gam màu rất dung dị của cuộc sống thường nhật, đôi khi lại có một chút phá cách đầy tính tế. Điểm chung trong mỗi tác phẩm của ông là đều được đọc giả đón nhận nhiệt tình, cũng chính điều đó đã làm tên tuổi của ông ngày càng vang danh trong giới vẽ bìa sách, vẽ minh họa.

Giờ đây, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã ở độ tuổi xế chiều, hành trình của ông với NXB Phụ nữ trên cương vị là một cán bộ, một họa sĩ chính của NXB đã sắp tạm dừng. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của ông liệu có kết thúc hay không? Câu trả lời là không. 

Vị họa sĩ tài hoa nói với chúng tôi, ông sẽ bắt đầu một hành trình mới, hành trình đi tìm chính mình trong hội họa và với họa sĩ Khôi mọi thứ bắt đầu lại chưa bao giờ là muộn.

Ông lạc quan chia sẻ: "Thực ra không có gì là muộn, tôi sống 60 năm, bây giờ tôi nghĩ lại thì có những việc tôi muốn làm lại từ đầu. Nếu giờ cho tôi trẻ lại để đi học một môn ngoại ngữ nào đó để mình mở mang trí tuệ, để mình tự do hơn, khi mình đi mình tiếp xúc với người nước ngoài mình thấy sướng lắm".

Người vẽ linh vật của SEA Games 31

Còn nhớ, SEA Games 22 được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2003, chú trâu vàng, con vật luôn gắn với hình ảnh của nền văn minh lúa nước Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã được lựa chọn là linh vật biểu tượng của đại hội.

Đến kỳ SEA Games 31 được tổ chức vào tháng 5 năm nay, Ban tổ chức đã lựa chọn Sao la để làm linh vật. 

Chia sẻ về thiết kế của mình, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết: "Tôi quyết định lựa chọn Sao la để vẽ linh vật vì nó là con vật quý hiếm và trên cả thế giới này chỉ có Việt Nam có, nên rất độc đáo. Bản thân hình ảnh con vật cũng rất đẹp, hiền lành, đáng yêu. 

Lựa chọn Sao la làm biểu tượng cũng là một cách để lan tỏa thông điệp về một Việt Nam giàu đẹp, đa dạng sinh học, thân thiện, hiếu khách và giàu tinh thần thượng võ.

Gặp gỡ họa sĩ “biến kỳ lân Châu Á” quý hiếm thành linh vật của SEA Games 31 - Ảnh 4.

Mẫu thiết kế linh vật Sao la cho SEA Games 31 của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Khi thể hiện con Sao la, tôi đã có rất nhiều thay đổi từ hình vẽ ban đầu đến hình vẽ cuối cùng. Tự bản thân tôi vào mạng để tra cứu, tìm hiểu để làm sao cái hình mình vẽ ra nó không giống với hoạt hình của Disney của Mỹ, hoạt hình của Nga, lối vẽ Manga của Nhật Bản..., để làm sao gần gũi nhất với văn hóa Việt, giống như một nhân vật của múa rối nước, dung dị và hiền hòa".

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ khai mạc vào ngày 12/5 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận.

Khi sáng tạo ra linh vật Sao la, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã khéo léo pha trộn những sắc màu truyền thống, đó là: "màu nâu của đất, màu vàng của núi, màu đỏ của sự may mắn, vui tươi và lạc quan". 

"Tất cả những màu sắc đấy tổng hợp trong một bộ quần áo giống như của người nông dân, những cũng giống trang phục của môn võ cổ truyền. Tất cả những cái đó hợp lại thành một hình ảnh không hề lai căng, không có sự pha tạp của văn hóa khác", họa sĩ Khôi chia sẻ.

Gặp gỡ họa sĩ “biến kỳ lân Châu Á” quý hiếm thành linh vật của SEA Games 31 - Ảnh 6.

Linh vật Sao la xuất hiện trên khắp các tuyến phố Hà Nội, trước thềm khai mạc SEA Games 31. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Khi hình ảnh Sao la được lựa chọn làm linh vật biểu tượng, trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến trái khác nhau, đã phần là đồng tình với quan điểm của ban tổ chức và yêu thích thiết kế của họa sĩ Khôi. Nhưng cũng có một số quan điểm phản bác, trước những ý kiến không hay đó, họa sĩ Khôi đã lựa chọn cách im lặng.

Ông chia sẻ: "Mình không đôi co với ai trên mạng xã hội làm gì, im lặng để tìm sự bình yên và thanh thản, trước dư luận và thị phi, vì quan điểm về nghệ thuật của mỗi người là khác nhau".

Lựa chọn Sao la làm linh vật biểu tượng cũng là một cách đưa hình ảnh loài vật này đến gần hơn với người dân, khơi dậy tình yêu và ý thức bảo tồn thiên nhiên cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Mong rằng, linh vật Sao la mặc trang phục võ truyền thống của Việt Nam sẽ trở thành nguồn động lực, giúp các vận động viên tham dự SEA Games 31 thêm phần quyết tâm hơn trên hành trình chinh phục đỉnh cao là tấm huy chương vàng của kỳ đại hội lần này.

Gặp gỡ họa sĩ “biến kỳ lân Châu Á” quý hiếm thành linh vật của SEA Games 31 - Ảnh 7.

Một cá thể Sao la quý hiếm được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998 tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Ảnh: WWF

Sao la (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis) hay còn được gọi là "Kỳ lân Châu Á" là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.