Cả đời hết mình xây dựng cơ nghiệp và luôn giương cao ngọn cờ nhân nghĩa, phục hưng Hán thất, cuối cùng Lưu Bị cũng có được những thành tựu nhất định và đủ vốn liếng vững chắc để lập nên nhà Thục Hán, lên ngôi hoàng đế.
Tuy nhiên, sau cái chết của danh tướng Quan Vũ, cục diện Tam Quốc thay đổi và chính điều này có tác động không nhỏ đến Lưu Bị và Thục Hán.
Mất đi Kinh Châu và Quan Vũ, một trong những võ tướng tài giỏi nhất trong Tam Quốc, Lưu Bị và Thục Hán chịu tổn thất lớn.
Năm 221, vì để trả thù cho Quan Vũ, đồng thời lấy lại Kinh Châu, Lưu Bị đã huy động lượng lớn binh sĩ tiến đánh Đông Ngô. Thế nhưng cuối cùng vị quân chủ của Thục Hán lại đại bại trong trận Di Lăng. Sau thất bại lớn này, Lưu Bị lâm bệnh nặng ở thành Bạch Đế.
Biết thời gian của mình không còn nhiều, Lưu Bị đã nhanh chóng ra lệnh cho người tới Thành Đô để triệu tập Lý Nghiêm, Gia Cát Lượng, Triệu Vân, một số nhân vật cốt cán khác, cùng các con trai của vị quân chủ này.
Lúc đó, Lưu Bị chưa gọi Lưu Thiện đến vì lo lắng Thành Đô không có ai quản, một số người có thể chớp lấy cơ hội để gây rối.
Ngay sau khi nhận được lệnh của Lưu Bị, Gia Cát Lượng và những người khác đã lập tức đến cung Vĩnh An ở thành Bạch Đế.
Khi Lưu Bị trông thấy Gia Cát Lượng, ông ra hiệu cho vị quân sư của mình ngồi xuống mép giường. Sau đó, Lưu Bị đã có màn phó thác con côi và cơ nghiệp nhà Thục Hán cho Gia Cát Lượng phò tá.
Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng rằng, tài của thừa tướng gấp mười Tào Phi, nhất định sẽ làm nên việc lớn. Đối với Lưu Thiện, nếu có thể giúp được thì giúp, còn nếu nó bất tài thì hãy tự thay đi.
Gia Cát Lượng nghe xong vừa khóc vừa nói rằng sẽ dốc hết sức lực, đồng thời hứa sẽ trung trinh, cúc cung tận tuỵ với Lưu Thiện và nhà Thục Hán đến cùng.
Lưu Bị còn gọi con trai là Lỗ vương Lưu Vĩnh đến dặn dò các anh em rằng: "Sau khi ta qua đời, anh em các ngươi phải coi thừa tướng như cha…".
Cùng ngày, Lưu Bị còn gọi các cận thần lại và tuyên bố việc gửi Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm làm phó cùng phụ chính.
Đây quả thực là một nước cờ cao tay của Lưu Bị để thử lòng Gia Cát Lượng. Nếu lúc đó Gia Cát Lượng do dự hoặc phản ứng chậm thì có lẽ tình thế sẽ thay đổi. Tuy nhiên, phản ứng của thừa tướng Gia Cát Lượng quả đúng như dự đoán của Lưu Bị.
Ngoài ra, trước khi qua đời, Lưu Bị còn nhấn mạnh nói với Gia Cát Lượng 1 câu, đại ý là: Không được trọng dụng Triệu Vân.
Sau màn phó thác con côi, giao cả con trai kế vị là Lưu Thiện và nhà Thục Hán cho Gia Cát Lượng, nhưng Lưu Bị lại gọi Triệu Vân đến và dặn dò riêng.
Tại sao Lưu Bị lại gọi riêng Triệu Vân? Vị quân chủ của Thục Hán đã nói gì với võ tướng được coi là hoàn mỹ nhất Tam Quốc?
Sau khi phó thác con côi và đại nghiệp của Thục Hán cho Gia Cát Lượng, Triệu Vân chính là người mà Lưu Bị muốn gặp nhất.
Triệu Vân đi theo Lưu Bị đã lâu. Võ tướng này luôn trung thành, tận tuỵ vì Lưu Bị và nhà Thục Hán mà không màng đến lợi ích cá nhân. Minh chứng là trong trận Trường Bản năm 208, Triệu Vân đã một mình đột kích phá vòng vây trước hàng nghìn quân Tào để cứu vợ con Lưu Bị. Nhờ sự dũng cảm phi thường của Triệu Vân, cuối cùng Lưu Thiện cũng được cứu sống.
Sự dũng mãnh cùng khả năng chiến đấu của Triệu Vân khiến ngay cả một người đa nghi như Tào Tháo cũng phải nể phục và mong muốn chiêu mộ võ tướng này.
Trước mặt Gia Cát Lượng, Lưu Bị căn dặn Triệu Vân phải bảo vệ Hậu chủ Lưu Thiện, đồng thời giao cho võ tướng này một quyền lực tối cao. Đó là nếu ai đó không thần phục Lưu Thiện, ông có thể thẳng tay giết mà không bị xử tội.
Ai đó ở đây cũng có thể là Gia Cát Lượng. Di ngôn đầy ẩn ý của Lưu Bị nhưng lại trao cho Triệu Vân một quyền lực to lớn. Triệu Vân chính là "át chủ bài" mà Lưu Bị muốn kìm hãm Gia Cát Lượng để chớ có hành động thiếu suy nghĩ.
Điều này cho thấy lòng tin tuyệt đối của Lưu Bị dành cho Triệu Vân, võ tướng từng cùng ông vào sinh, ra tử, thậm chí hai lần lập công lớn cứu sống Lưu Thiện. Triệu Vân không những văn võ song toàn mà còn là người cẩn trọng, biết phân biệt phải, trái. Do đó, để Triệu Vân bảo vệ cho con trai của mình thì Lưu Bị mới có thể yên tâm mà nhắm mắt được.