Trở về nhà sau một ngày quanh cổng bệnh viện Ung bướu để bán vé số, bà Huỳnh Thị Lệ (sinh năm 1957, ngụ Tiền Giang) đặt chiếc túi nhỏ xuống bàn rồi ngồi thở dốc vẻ mặt mệt mỏi. Mọi người xung quanh xúm lại, người hỏi hôm nay bán hết vé số không, người hỏi có mệt nhiều không…
Mở đầu câu chuyện với phóng viên, bà Lệ chia sẻ: Bà phát bệnh từ năm 2018, trước đây đã mổ ở bệnh viện Từ Dũ nhưng vì u ác tính nên được chuyển qua viện Ung Bướu TP.HCM.
Từ khi điều trị, bà Lệ ở hẳn trong bệnh viện cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát thì bệnh viện không cho ở nữa. Quá trình ở đây, cô gặp được những người chị em đồng cảnh và chuyển về ở chung.
Gia đình bà Lệ đầy rẫy khó khăn khi bà cho biết, căn nhà ở quê đang ở cũng là do mạnh thường quân từ TP.HCM xuống cất cho. 3 năm nay, chồng bà cũng phải nhập viện điều trị tại bệnh viện da liễu. Các con cũng nghèo, lại có gia đình riêng nên việc hỗ trợ cho bà là điều không thể.
"Mỗi tháng, chi phí thuốc thang điều trị của tôi rất cao. Dù được bảo hiểm chi trả bớt nhưng tôi vẫn phải đóng gần 3 triệu. Để có tiền mua thuốc, tranh thủ lúc đỡ đau tôi đi bán vé số. Tôi bán khắp nơi, bán cả trong bệnh viện. Hôm nào khỏe thì ráng bán khoảng 100 tờ vé số, hôm nào mệt thì ít hơn, có ngày bỗng dưng đau bất chợt nằm bẹp dí không đi nổi. Tôi lớn tuổi rồi, sức khỏe không cho phép trong khi đó trời nắng nóng quá, đi lâu tôi sợ té xỉu giữa đường", bà Lệ bộc bạch.
Ngồi cạnh bên bà Lệ, chị Nhị (quê Phú Yên) buồn rầu nói, tính sơ sơ chi phí chữa bệnh đã trên 100 triệu. Trước đây, lúc bị hoại tử, chị được mạnh thường quân hỗ trợ 40 triệu. Các chi phí sau này chị đi vay theo chính sách của hộ nghèo được 30 triệu. Đến nay, để duy trì việc chữa bệnh, gia đình chị chạy vạy vay mượn khắp nơi.
"Tôi đi làm dịch vụ nấu đám tiệc, một đám như vậy kiếm được 200 ngàn đồng. Chồng làm thợ mộc, kinh tế gia đình chỉ đủ ăn, lo ăn học cho con. Giờ tôi đổ bệnh, nợ nần chồng chất, kinh tế kiệt quệ luôn. Chỉ mong nhanh khỏi bệnh để còn làm lụng, trả nợ cho người ta", chị Nhị thở dài.
Nói về mái nhà tình thương – nơi hơn 20 chị em bị ung thư vú cùng nương tựa, bà Lệ rơm rớm nước mắt. Theo bà, đây không chỉ là nơi che mưa, tránh nắng, ngả lưng nghỉ mệt những ngày vào ra bệnh viện… mà còn là chỗ dựa tinh thần lớn lao, giúp bà và các chị em có niềm tin, sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật.
"Ở đây ai cũng khổ hết, mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng có chung căn bệnh, có chung sự đau đớn. Đều cùng cảnh phải xa gia đình, xa con cái, xa quê hương, chúng tôi về ở với nhau rồi người này chăm sóc người kia, cùng động viên lẫn nhau. Các chị em sống ở đây đều là động lực cho tôi để vượt qua căn bệnh này.
Thú thật đối diện với ung thư ai cũng sợ cả. Trong chúng tôi, không ai là không bị sa sút tinh thần. Nhưng sống cùng nhau, cả tập thể đều giống mình, ngày ngày có sự động viên qua lại nên chúng tôi dần hết sợ, phấn chấn hơn. Tôi lớn tuổi hơn nên vẫn thường động viên các cháu ở đây, còn trẻ, còn có sức khỏe thì phải cố gắng lên để chiến thắng bệnh tật, trở về với gia đình, con cái", bà Lệ nói tiếp câu chuyện.
Chị Như Lệ (sinh năm 1989, quê Bình Thuận) thổ lộ, nhờ có các chị em động viên và được sống trong ngôi nhà vui vẻ nên tinh thần ai cũng lạc quan hơn trước. Thêm vào đó, khao khát được sống, được trở về với gia đình cũng là sức mạnh rất lớn để họ vực dậy.
"Lúc đầu tôi sợ lắm, sợ phải bỏ lại con cái mà ra đi khi chúng còn quá nhỏ dại. Ở đây, ngày nào con cũng điện thoại cho tôi hỏi chừng nào mẹ về, mẹ làm gì trong đó, mẹ chữa bệnh gì mà lâu quá vậy… Mỗi lần nghe tiếng con hỏi, tôi lại tự nhủ phải lạc quan lên, cố gắng lên để điều trị", chị Như Lệ xúc động.
"Sau những đợt hóa trị chúng tôi sẽ trở về nhà thăm chồng con, sau đó sẽ tiếp tục trở lại để điều trị. Điều tồi tệ nhất đối với chúng tôi có lẽ khi hay tin một trong những chị em đã từng chung sống với chúng tôi đã không thể vượt qua cơn đau mà rời khỏi cỏi tạm. Đau xót vô kể!", một phụ nữ trong ngôi nhà trọ chung này tâm sự.