Dân Việt

Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp

Hòa Bình 03/05/2022 10:42 GMT+7
GS Trần Hữu Dũng là con trai của Bác sĩ - NGND Trần Hữu Nghiệp, và là cha đẻ của kiến trúc sư Trần Hữu Minh Duẩn, người chuyên thiết kế nhà cho các ngôi sao Hollywood.
Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 1.

Có điểm chung trở thành mối dây liên hệ kết nối giữa ba thế hệ trong gia đình GS Trần Hữu Dũng (Ảnh: Hòa Bình ghép)

Dòng dõi danh gia

Bác sĩ - NSND Trần Hữu Nghiệp, cha đẻ của GS Trần Hữu Dũng là một nhà khoa học, nhà giáo nhân dân, thầy của những người thầy, một trong những cây đại thụ của nền y học Việt Nam. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân từ năm 1988.

Ông Trần Hữu Nghiệp sinh ra tại quê nhà Bến Tre. Ngay từ tuổi thiếu niên, cậu bé Trần Hữu Nghiệp đã tham gia lực lượng học sinh, sinh viên tổ chức lễ truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng trong phong trào Duy Tân tại Bến Tre. Chính vì việc này mà ông bị đuổi học khỏi trường trung học công tỉnh Bến Tre.

Khi cậu thiếu niên gặp "tai nạn" bị đuổi học, cha của ông, cụ Trần Văn Nghĩa (Đại Hương Cả, người đứng đầu nhiều năm trong hội tề có 12 vị ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã đưa con lên tận Sài Gòn tìm nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh gửi con học.

"Phải chăng bởi trên mảnh đất khô cằn nghèo khổ này còn vang lên, đời con nối tiếp đời cha, những chuyện kể về Phan Thanh Giản, về Nguyễn Đình Chiểu… Gió biển Đông thổi vào còn lan tỏa khắp nơi hương thơm tinh thần Nguyễn Đình Chiểu - một ngôi sao càng nhìn lâu càng sáng cho ai muốn ngẩng đầu lên" – Bác sĩ, NGND Trần Hữu Nghiệp viết trong phần mở đầu hồi ký "Thời gian trong mắt tôi".

Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế (đi sau Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại buổi lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị Tổng kết công tác Y tế tổ chức tại Trường năm 1956. Ảnh chụp lại trong sách.

Năm 1928, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thi đậu Brevet élémentaire với điểm cao (hạng nhì) nên được ông Huỳnh Khương Ninh, lúc ấy là hội đồng thành phố Sài Gòn, vận động xin cho học bổng và vào học tiếp ở trường Chasseloup Laubat.

Năm 1931, sau khi đỗ tú tài, ông thi đỗ và vào học Đại học Y khoa ở Hà Nội. Năm 1937, tốt nghiệp bác sĩ và được sang Paris (Pháp) để tu nghiệp thêm. Năm 1939, ông trở về nước, hành nghề, mở phòng khám bệnh tư tại thành phố Mỹ Tho.

Ngoài nghiên cứu, giảng dạy, chữa bệnh ông còn viết báo, viết văn với bút danh Hằng Ngôn cùng rất nhiều tác phẩm đã xuất bản: Hồi ký Thời gian trong mắt tôi (1993); Phép nuôi con (1943); Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài (1990); Nói chuyện với người uống rượu (1981); Lịch sử phụ nữ ngành Y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1991); Nói chuyện với người hút thuốc lá (1983), Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (1962), Sanh khỏe đẻ vui, Nuôi con; Chữa bệnh cho con…

Năm 1938, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp 27 tuổi cưới vợ, sinh ba người con là Trần Hữu Kim Dung, Trần Hữu Trí và Trần Hữu Dũng.

Bước ngoặt lớn làm nên tên tuổi và đi vào lịch sử của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là ông đã từ bỏ gia đình và sự nghiệp để theo kháng chiến chống Pháp vào năm 1945. Đánh dấu cái mốc ngày bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tham gia cách mạng, ông viết: "Xuất phát là một thầy thuốc tư, có phòng khám bệnh và một bệnh viện nhỏ ở tỉnh, tôi đã thoát ly đi theo kháng chiến từ năm 1945".

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vì sự lựa chọn này mà đổ vỡ hôn nhân, mười năm sau, khi 37 tuổi (1948), ông lập gia đình lần thứ hai, thêm ba người con, sau đó ông tập kết ra Bắc năm 1954.

Thời gian trên đất Bắc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm Hiệu trưởng đầu tiên Trường Cán bộ Y tế trung ương.

Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 3.

Bác sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà báo, nhà văn Trần Hữu Nghiệp (Ảnh tư liệu)

Giữa năm 1947, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, vừa từ Sài Gòn mới ra chiến khu, bắt tay xây dựng ngành dân y, đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên y tế. Ông được cử làm Phó Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam bộ, trực tiếp phụ trách các tỉnh thuộc khu 8. 

Ông đã mở nhiều lớp đào tạo y tá, cứu thương, hộ sinh cho các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, và các đơn vị bộ đội thuộc khu 8. Ngoài công tác huấn luyện dạy học, ông còn trực tiếp tham gia điều trị cứu chữa thương binh, bệnh binh ở Quân Y Viện Trung đoàn 99 và Quân Y viện II - khu 8.

Năm 1951, chiến trường Nam Bộ được phân chia lại thành 2 phân liên khu (miền Đông và miền Tây), ông được chuyển về miền Tây - phụ trách đào tạo cán bộ y sĩ cho ngành.

Năm 1955, ông được giao chức vụ Trưởng Ban Huấn luyện Bộ Y tế nước VNDCCH và ủy viên Ban biên tập tạp chí Y học thực hành.

Tháng 9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận.

Năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương ở Hà Nội. Đây là Trung tâm đào tạo và bổ túc cho cán bộ trung, cao cấp dân y lớn nhất của cả nước lúc bấy giờ. Năm 1958 ông lại được kiêm nhiệm thêm chức vụ ủy viên cố vấn Bộ Y tế.

Trong những năm sống ở miền Bắc, ông đã có nhiều lần được cử đi công tác hoặc tham quan tu nghiệp thêm ở các nước bạn: Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc... 

Đến năm 1964, ông được chuyển sang làm Phó Chủ Nhiệm khoa Nội của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tích lũy thêm thực tế kỹ thuật điều trị lâm sàng, để qua năm sau (1965) ông lại lên đường về Nam, chiến trường chính của cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt của quân dân ta chống quân xâm lược Mỹ đang bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam.

Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 4.

Tượng bác sĩ - NGND Trần Hữu Nghiệp tại vườn tượng các danh nhân Y học Việt Nam và thế giới tại Quy Hòa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh tư liệu)

 

Trở về miền Nam, ông là Hiệu Trưởng Trường Đào tạo Cán bộ y tế trung và cao cấp của Miền, đồng thời tham gia hướng dẫn điều trị tại Bệnh viện dân y Hoàng Lệ Kha.

Trong dịp Quốc khánh 2/9/1966, lễ kết nạp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam được tổ chức tại một vùng căn cứ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở miền Đông Nam Bộ.

Tháng 6-1969, khi Chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam ra đời, ông được chỉ định làm Cố vấn cho Bộ Y tế.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) đất nước thống nhất một nhà, về lại Sài Gòn ông vẫn tham gia giảng dạy bộ môn Tâm lý Y học và Y đức học ở Trường Kỹ thuật Y tế và Trường Quản lý ngành Y tế phía Nam cho đến khi về nghỉ hưu năm 1979.

Cuộc đời của bác sĩ – NGND Trần Hữu Nghiệp là tấm gương tiêu biểu của người trí thức yêu nước, chân chính, luôn sẵn sàng gác bỏ danh vọng, giàu sang, thậm chí là cả hạnh phúc cá nhân để gắn bó đời mình với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã tận tụy dồn hết tâm trí mình cho công việc chữa bệnh và sự nghiệp trồng người để chăm lo giáo dục đào tạo đội ngũ những người thầy thuốc tốt. 

Năm 2006, bác sĩ - NSND Trần Hữu Nghiệp về nơi chín suối, ông mất tại TP.HCM hưởng đại thọ 96 tuổi.

Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 5.

Tên riêng của bác sĩ - NGND Trần Hữu Nghiệp hiện nay được đặt thành tên một con đường ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ngoài ra, một ngôi trường THCS ở huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) cũng đã đặt tên trường theo tên BS – NGND Trần Hữu Nghiệp

Hai thế hệ đi sau

GS Trần Hữu Dũng không đi theo sự nghiệp ngành y của cha. Ông nghiên cứu về kinh tế Đông Nam Á, giảng dạy môn kinh tế vĩ mô, kinh tế quản lý và kinh tế thế giới cho bằng thạc sĩ (MBA) tại Đại học Wright State từ năm 1982 đến 2013 thì nghỉ hưu.

Ngoài công việc chính giảng dạy tại Đại học, GS Trần Hữu Dũng còn chính thức đảm nhiệm cương vị biên tập viên cổng thông tin nổi tiếng Arts & Letters Daily, một cổng thông tin tiếng Anh, kết nối tới mấy chục ngàn bài viết, đưa ra nhiều luận điểm từ các báo cáo và những cuốn sách mới, suốt từ năm 1998 đến nay, giành nhiều giải thưởng quan trọng và được coi là trang web đáng đọc.


Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 6.

GS Trần Hữu Dũng

 

 Có lẽ đây là điểm kết nối giữa ba thế hệ của gia đình, khi bác sĩ NGND Trần Hữu Nghiệp từng nổi danh với bút hiệu Hằng Ngôn, Arts & Letters thì được tờ New York Times khen tặng là "Điểm hẹn của trí thức toàn cầu"; còn con trai GS Trần Hữu Dũng – kiến trúc sư Trần Hữu Minh Duẩn thời gian gần đây, nổi lên là người thiết kế nhà cho nhiều ngôi sao ở New York.

Nói về công ty thiết kế của con trai mình, GS Trần Hữu Dũng nhận định: "Công ty tuy nhỏ (ở Mỹ thì công ty có hơn 100 nhân viên là nhỏ) nhưng nổi tiếng có óc sáng tạo nên được các celebrities ưa chuộng. 

Ba thế hệ trong gia đình Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp - Ảnh 7.

KTS Trần Hữu Minh Duẩn

Ngoài một số ngôi sao trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, có tới 95% khách hàng của công ty thiết kế này yêu cầu được giấu tên cũng như bảo mật về công trình.

Chia sẻ về truyền thống gia đình, KTS Trần Hữu Minh Duẩn ghi nhận và cho biết luôn trân trọng sự dũng cảm của cha mẹ, ông bà. 

"Những câu chuyện của họ, việc họ đã kiên trì như thế nào, những thách thức, khó khăn mà họ đã trải qua luôn làm cho tôi cảm nhận được những rào cản mình chạm trán là vô cùng nhỏ" – KTS Trần Hữu Minh Duẩn nói.