Bác sĩ nha khoa tự nhân giống, lai tạo ra hàng trăm chú chim chào mào quý hiếm nhiều người mê
Bác sĩ nha khoa tự nhân giống, lai tạo ra hàng trăm chú chim chào mào quý hiếm nhiều người mê
Chinh Hoàng - Mai Ánh
Thứ hai, ngày 02/05/2022 11:00 AM (GMT+7)
Không khỏi tiếc nuối khi những dòng chim quý hiếm bị xuất ra nước ngoài, bác sĩ nha khoa Võ Văn Nhân tự mình mày mò nhân giống dòng chim chào mào. Sau 4 năm, trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng ông đã thành công và hiện sở hữu trên 100 chú chim chào mào đột biến độc lạ.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên, bác sĩ Nhân chia sẻ, việc ông tự nhân giống chim chào đột biến với mục giải trí lành mạnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra còn để bảo tồn, chứ không bán mặc dù rất nhiều người đến hỏi thăm và mua.
Trong hơn 100 giống chim chào mào được bác sĩ lai tạo có những chú chim chỉ còn vài cá thể ở Việt Nam.
Điển hình như loại hắc chào mào, cả nước có 8 cá thể trong đó có 1 cá thể mái, bác sĩ Nhân may mắn sở hữu 2 cá thể và đã nhân giống thành công.
"Khi đi làm về mình thấy những chú chim há miệng ra xin mớm mồi, có những con hót líu lo chào, mọi mệt mỏi ưu phiền đều tan biến. Nuôi chim giúp cân bằng giữa cuộc sống và công việc làm cho tinh thần thoải mái hơn", bác sĩ Nhân bộc bạch.
Kể về cơ duyên đến với việc nuôi chim chào mào nhân giống tạo ra những dòng chim đột biến, quý hiếm bác sĩ Nhân nhớ lại: Cách đây vài năm về trước phong trào nuôi chim sinh sản, chim đột biến chưa phát triển.
Những nghệ nhân chơi chim Việt Nam chưa rành về kiến thức nhân giống cũng như chưa ý thức được vốn quý hiếm của những dòng chim chào mào này. Chính vì thế, đây là lí do lớn nhất khiến những chú chim quý hiếm đã bị săn lùng và mang đi ra nước ngoài.
Tiếc nuối điều đó, bác sĩ Nhân và một số anh em thân thiết đã cố gắng giữ lại những dòng chim quý hiếm của Việt Nam để bảo tồn, giúp nó sinh sản duy trì nòi giống độc lạ, chứ không xuất ra nước ngoài làm "chảy máu" những dòng chim quý hiếm như trước đây.
Theo bác sĩ Nhân, khoảng thời gian 4 năm vừa qua, sau nhiều lần thất bại nhân giống chim, cuối cùng ông đã thành công và hàng loạt chú chim chào mào độc lạ đã được ra đời.
Chim chào mào đột biến đã cùng bác sĩ Nhân giành được hàng trăm giải thưởng, trong đó ấn tượng nhất là giải nhất - nhì - ba của Hiệp hội chào mào miền Nam.
Nức tiếng trong giới chơi chim chào mào ở Sài Gòn, nhiều người tìm đến bác sĩ Nhân để hỏi mua, nhưng nhiều lần ông đáp lại với sự kiên định: "Tôi nuôi để giải trí, bảo tồn, những chú chim như những người con của tôi, việc bán đi là không thể".
Đam mê nuôi chim chào mào từ hồi học cấp I
Kể về những kỉ niệm với chim chào mào bác sĩ Nhân trải lòng, từ nhỏ ở quê (Quãng Nam) ông đã mê mẩn những cánh chim trên trời và hâm mộ những bạn trong nhà có nuôi chim chào mào.
Lúc ông đang học lớp 5, trong một lần ghé chơi nhà người bạn ông được tặng một chú chim chào mào mang về nhà để nuôi.
Năm bác sĩ Nhân học lớp 8, ông phải lên tỉnh ôn thi học sinh giỏi một tuần mới được về nhà một lần. Khi ông về đến nhà chú chim cứ nhảy cẫng lên ở trong lồng vui mừng chào chủ nhân. Điều này khiến ông nhớ mãi đến tận bây giờ.
Chỉ tay về phía những chiếc cup ông và những chú chim chào mào giành được trên các đấu trường, ông Nhân tự hào: "Về giải thưởng của chim thì có vài trăm giải thưởng, hầu như tôi có gần hết các giải thưởng của giới chơi chim chào mào như giải nhất, giải nhì, giải ba giải thưởng của Hiệp hội chào mào miền nam".
Giải thưởng khiến bác sĩ Nhân ấn tượng nhất là giải nhất của Hội thi chim đột biến năm 2018 nhà vô địch là chú chim "sóc nâu".
Hiện ông đang nhân giống để bảo tồn chú chim vô địch này và kết quả đã "đúc" được thành công những hậu duệ sắp tới đây cho ra sân thi đấu hay như chim bố.
Cũng theo bác sĩ Nhân, tất cả những chú chim trong trại nhà mình đều quen hơi và thân thiết với ông, mở lồng ra không sợ chúng bay mất.
Chia sẻ cách thuần hóa loại chim chào mào này, bác sĩ nhân thổ lộ: "Để thuần phục những chú chim mình tự nhân giống không khó. Khi chim con phá vỏ trứng ra ngoài người đầu tiên mà chúng thấy là ai chúng sẽ có tình cảm gắn bó với người đó".
Còn đối với những chú chim trưởng thành, mình nhập về nuôi phải thật kiên nhẫn mới có thể làm thân với chúng. Đầu tiên chỉ mở một mặt áo lồng cho nó thấy mình, treo chim ở nơi nào mình hay đi lại, mỗi tiếng cho ăn một lần cứ như vậy sẽ thuần hóa được chim…
Sau khi thuần hóa, bác sĩ Nhân sẽ chọn những cá thể xuất sắc nhất cả về ngoại hình và giọng hót đưa vô lồng sinh sản.
Về quy trình sinh sản của chim chào mào ông nhận định: "Trung bình một cặp chim sinh sản mất khoảng 1 năm, có những chú chim 8 - 9 tháng có thể sinh sản được nhưng có những chú chim phải đợi 2 năm mới sinh sản. Quá trình rất dài, nếu mình muốn tạo ra giống mới khác biệt với bố mẹ mất khoảng 3 năm".
Dựa trên thế mạnh là một bác sĩ có kiến thức về mặt di truyền nên việc nhân giống không quá khó khăn đối với ông Nhân.
Ông cũng cho rằng, không phải cá thể nào cũng sinh sản được. "Khó khăn nhất là việc bắt cặp cho chim, có nhiều lần cho sinh sản mà không có kết quả. Sau đó, nhờ tìm tòi ông mới có được công thức, bí quyết riêng giúp chim sinh sản nhanh và nhiều", ông Nhân tiết lộ.
Bác sĩ Võ Văn Nhân hiện đang là Giám đốc Nha khoa Nhân Tâm (807 đường 3/2, phưởng 7, quận 10, TP.HCM). Trong trại chim tại nhà của bác sĩ Nhân có khoảng 100 chú chim chào mào đột biến. Dòng chào mào này có nhiều loại như chim bông, chim đầu trắng đuôi trắng mang phong thái một chú chim đại bàng được gọi là đại bàng; chim bạch có bạch chân hồng mỏ hồng dịu dàng thùy mị như thiếu nữ; bạch chân đen mỏ đen mang vẻ đẹp dũng mãnh vì có màu lông tương phản với màu mắt và màu mỏ; bạch mắt đỏ có 2 chiếc tách bên tai rất to gọi là chào mào Indo.
Ngoài ra, còn có loại chào mào đen người ta hay gọi là hắc bao công hay hắc công tử, chào mào xám…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.