Chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan - thành viên Hiệp hội Trị liệu Tâm thần dành cho gia đình tại Na Uy, người có chuyên môn về tâm lý học trẻ em và là tác giả sách về các chủ đề liên quan - đã có những lời khuyên rất hữu ích về việc thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Chị Linh Phan chỉ ra: "Dù chỉ 15 phút mỗi ngày thôi, nếu chúng ta chịu cởi mở, nhẹ nhàng và trò chuyện với con, sự kết nối của chúng ta cũng có thể được cải thiện đáng kể".
4 câu hỏi chị Linh Phan thường hỏi con mỗi ngày, cũng là ý kiến tham khảo dành cho các bậc phụ huynh, mà theo chị Linh Phan "không quan trọng con có trả lời chi tiết hay không, quan trọng là chúng ta lắng nghe cẩn trọng và để con biết rằng cha mẹ đang ở đó, đang quan tâm tới mình".
"Câu 1: Ngày của con hôm nay thế nào?
Con có thể trả lời cụt lủn "Tốt", "Bình thường", "Chẳng có gì vui" nhưng đừng thẩm vấn nếu con không muốn chia sẻ thêm. Chúng ta có thể nói "Ok, mẹ chỉ hỏi để con biết là mẹ quan tâm thôi, con không cần phải chia sẻ kỹ hơn với mẹ. Hôm nay mẹ đã làm điều này.... điều kia... và cảm xúc của mẹ...". Theo thời gian, dẫu con là đứa trẻ hướng nội, độc lập và bí mật đến thế nào, cũng sẽ bắt đầu chia sẻ với bạn những gì còn cảm thấy.
Câu 2: Bạn bè của con thế nào? Các bạn đang làm gì rồi?
Bạn có thể hỏi về một người bạn cụ thể nếu bạn biết một số sự kiện liên quan tới chúng, hoặc có thể hỏi chung chung. Ví dụ "Con nghĩ ai là bạn mà con thích chơi nhất? Tại sao? Con kể thêm về bạn ấy đi" hoặc "Con nghĩ bạn tốt là nên như thế nào? Con đã làm gì cho bạn và ngược lại? Con cảm thấy tự hào về người bạn nào nhất? Tại sao?", "Nếu con phát hiện ra bạn làm một việc chưa tốt, con sẽ làm gì?".
Tất nhiên, câu hỏi cần phù hợp với độ tuổi và trong những thời điểm phù hợp.
Câu 3: Có điều gì đáng nhớ/tốt đẹp đã đến với con hôm nay?
Kể cả một ngày thời tiết xấu hay một bài kiểm tra không tốt, cãi nhau với bạn bè… con vẫn có thể suy ngẫm và nhớ về những điều thú vị. Hãy hướng dẫn con tìm ra rồi học cách hài lòng chỉ với những điều nhỏ nhặt, dù không dễ dàng. Ví dụ nếu không thể đi xem phim như kế hoạch, con có thể ngồi xuống và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè tới của cả nhà hoặc cho cuối tuần tiếp theo. Hãy giúp con tưởng tượng và điều đó sẽ dẫn con đi qua những suy nghĩ nặng nề để đến với một làn sóng cảm xúc tích cực.
Câu 4: Con có cần cha/mẹ giúp gì không?
Người lớn thường gặp khó khăn hoặc quên đi rằng chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu được giúp đỡ. Vậy nên hãy dạy con điều này từ sớm. Một đứa trẻ không nhờ bạn giúp từ những điều nhỏ cũng có thể sẽ không tìm tới bạn trong những tình huống khó khăn hơn sau này. Hãy bắt đầu với những việc nhỏ: giúp dọn dẹp bàn ăn, giúp dọn dẹp phòng, giúp đọc sách, giúp giải quyết những tình huống thường ngày. Đừng sợ điều đó sẽ làm hư hỏng con bạn, vì có những việc với bạn là "vặt vãnh" có thể là cả nhiệm vụ to lớn đối với đứa trẻ. Tất nhiên, giúp khác với làm thay, hãy tỉnh táo.
Cuối cùng, một điều lưu ý nhỏ nữa: Hãy lắng nghe câu chuyện của con, đừng đưa ra phán xét, chỉ bình luận khi bạn được hỏi. Hãy hỏi con về cảm nhận, suy nghĩ, đặt con vào tình huống và cho con tự nói ra trước khi áp đặt, dán nhãn bất cứ thứ gì từ bạn. Hãy ngồi ngang hàng với con, mắt ngang mắt. Hãy ôm con khi con muốn, đừng bỏ qua những cái "chạm" quan trọng như ôm ấp, cầm tay. Hãy trung thực và nói với con rằng bây giờ mẹ đang bực bội, đang tức giận hoặc không có thời gian, thuyết phục con nói chuyện sau thay vì mang những cảm xúc tiêu cực đó vào cuộc trò chuyện".
Cuối cùng chị Linh Phan nhấn mạnh sự kiên trì, điềm tĩnh của cha mẹ mới là chìa khóa của vấn đề: "Làm tất cả những điều này không khó. Làm nó đều đặn hàng ngày với sự bình tĩnh và thấu hiểu con, mới khó".