Triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh 1990) kéo dài từ ngày 3 đến 9/5 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM với hơn 60 tranh và gần 30 tượng gốm lớn nhỏ.
Triển lãm còn dành riêng một phòng trưng bày để tái hiện lại một phần không gian gia đình, nơi Hiền sống, sáng tác với sự hiện diện của bé Cám (sinh 2019) - con gái - là một phần thiết yếu của cảm hứng sáng tạo.
Thu Hiền tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 2015, mang bầu 2018, đầu năm 2019 thì sinh bé Cám. Khác với những nữ họa sĩ khác buộc phải ngưng công việc sáng tác để chăm sóc con, Hiền lại có đủ nguồn năng lượng tái tạo để vẽ nhiều bức liên hoàn về tình mẫu tử, thế giới trẻ con sinh động, hồn nhiên và sự bận rộn thú vị của người lớn.
Chính vì vậy, việc Thu Hiền chọn ra hơn 60 tranh và gần 30 tượng để triển lãm cá nhân lần này là một con số rất đáng kể và đáng nể. Chưa nói, 5 năm qua, số tác phẩm mà Hiền đã bán đi cũng không hề ít. Điều này cho thấy sức làm việc và khả năng thu xếp, cân bằng giữa sáng tác và đời thường. Ở Việt Nam, tìm một nữ nghệ sĩ mà vừa vẽ tranh nhiều thể loại và vật liệu, vừa làm tượng gốm và sơn mài, cũng khá ít gặp.
Về vật liệu, vốn có thế mạnh ở sơn mài và sơn dầu, nhưng vì lúc mang thai và cho con bú, Hiền đã chuyển sang tranh lụa, giấy dó, hoặc dùng acrylic cho an toàn hơn với bé Cám, cũng như thuận tiện, nhanh gọn hơn trong việc sáng tác.
Khi bé Cám biết đi, việc làm gốm được Hiền áp dụng như cách để chơi với con và cả các đứa trẻ trong khu chung cư. Điều này giải thích vì sao triển lãm Nắng nghiêng lưng trời lại đa dạng vật liệu như vậy. Nhiều tác phẩm trong triển lãm này được đặt tên là Cám.
Một ví dụ về hiệu quả vật liệu, đó là việc bồi giấy dó lên vải/toan trước khi vẽ. Chính những sớ giấy, nếp gấp của giấy đã giúp cho việc kể chuyện bằng acrylic hoặc sơn dầu thêm hiệu quả về thị giác. Chất liệu là những câu chuyện lãng mạn, bềnh bồng, thị vị hóa đời thường, giờ nhờ hiệu quả về bề mặt của giấy dó trên toan mà thêm sống động, đa chiều hơn.
"Lúc tôi muốn quay lại với việc vẽ cũng là lúc có bầu em Cám, nên ở nhà nhiều hơn, tự dưng thích quay về những điều bên trong. Cám đã cho tôi một cơ hội, một món quà quý giá lắm, nên cứ thấy thích vẽ Cám và vẽ về những điều gần gũi mà thôi. Thẳng thắn mà nói thì tác phẩm của tôi không có gì gọi là mới, là táo bạo, mà chỉ là một cảm giác mới, một niềm vui sống mới.
Tôi cũng không quan trọng việc vẽ cái gì, mà chỉ luôn muốn giữ cái nhịp làm việc, để không phải vò đầu bứt tóc đi tìm cảm hứng, tìm động lực. Sáng tác như là ăn cơm, như là chăm con, như là làm việc nhà vậy thôi.
Tôi thấy mình bận rộn vô cùng với việc nội trợ và chăm con nhỏ, nên lúc đầu vẽ trở thành thứ phải tranh thủ, phải linh động, rảnh đâu làm đấy, không chờ đợi. Mà nhiều khi chờ đợi lại quên mất ý tưởng, nhờ tranh thủ như vậy mà thành ra có phản ứng tự nhiên, thành ra nhẹ nhàng, nên một hai năm gần đây ngày nào tôi cũng làm việc được, khi thì phác thảo, khi thì mài, khi thì vẽ, khi thì nắn tượng, khi thì làm men…" - Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.
Điểm nhìn chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Hiền là cách pha trộn giữa sự hồn nhiên vốn có và chất cổ tích tìm thấy nơi đời thường. Dù không có chủ đích theo đuổi một trường phái nào, nhưng sự lãng mạn và chất thơ đã mang lại cho nhiều tác phẩm của Hiền chất huyền thoại cổ điển (classical mythology) một cách rất tự nhiên.
Vẻ đẹp, tình yêu, sự vui sống làm nên hào quang của chính đời sống, của chính các chủ thể trong tác phẩm. Mới xem qua, thấy vài tranh mang không khí của tôn giáo, như vẽ các thiên thần với đôi cánh và ánh hào quang tỏa rạng.
Nhưng khi nói chuyện với Hiền, thì mới biết đây chỉ là một quan niệm: "Sự thương yêu, hạnh phúc, năng lượng tích cực lúc nào cũng làm tỏa ra hào quang, đâu cần đến các thiên thần mới có. Mọi thứ không phải cứ nhìn thẳng là tốt, mà đôi khi hãy nhìn nghiêng một chút, như nắng nghiêng qua cửa sổ, sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng, tích cực và hấp dẫn hơn".
Hiền cũng từng trải qua một số công việc, đôi lúc có suy nghĩ thoáng qua là thôi dừng việc sáng tác lại, để nhường lối cho chồng đi được thong thả.
Chồng của Hiền là họa sĩ Đinh Văn Sơn, một gương mặt mới đầy tài năng, sức làm việc đáng nể, đã dần khẳng định mình ở địa hạt sơn mài và gốm. Nhưng rồi chính Đinh Văn Sơn động viên và trợ giúp vợ rất nhiều việc, nên Hiền đã tìm lại được cảm hứng với hội họa, với sáng tạo.
"Khi về trở lại với hội họa, tôi mới thực sự thấy mình là mình nhất, thấy được tự do nhất. Công việc hàng ngày của tôi là nội trợ, chăm con và vẽ, tổng thời gian có thể gấp 3 đến 5 lần những người bình thường, nhưng vẫn thấy vui và thoải mái.
Tôi không còn cần phải cố gắng để ở nhà, mà bây giờ ở nhà đã là niềm vui, sáng đưa con gái đến nhà trẻ xong là quay về nhà vẽ tranh, làm gốm, không thấy có nhu cầu phải đi chơi, mua sắm gì.
Những chuyến đi ra ngoài đa số do chồng rủ rê, bữa thì đi cà phê, ăn uống, bữa thì đi xem triển lãm đồng nghiệp. Em Cám lại có tố chất nghệ sĩ bẩm sinh, nên càng là động lực để tôi làm việc nhiều hơn.
Tôi thấy mình đang sống đơn giản nhất có thể, chỉ dành tâm huyết cho vẽ và chơi với con. Tôi hài lòng vì có gia đình nhỏ hạnh phúc, trọn vẹn với nghệ thuật và vừa vặn với mọi thứ mà mình đang có" - Nguyễn Thị Thu Hiền nói.