Bức tranh do nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam sáng tác được bán hơn 13 tỷ đồng
Bức tranh do nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam sáng tác được bán hơn 13 tỷ đồng
Yến Linh
Thứ sáu, ngày 22/04/2022 16:09 PM (GMT+7)
Mới đây, trong phiên đấu giá online của nhà đấu giá Sotheby's, bức tranh "Mẹ và con" của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã được bán với giá 573.925 USD (hơn 13 tỷ đồng).
Bức tranh Mère et enfant (Mẹ và con) của họa sĩ Lê Thị Lựuđã trở thành tác phẩm được đấu giá cao nhất trong phiên Indochine, gồm 49 tranh hiện đại, tạp chí cũ của các họa sĩ, giáo viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Thông tin trên Sotheby's cho biết, tác phẩm mang chất liệu mực và màu trên lụa, được thực hiện vào khoảng những năm 1960. Hình ảnh mẹ bồng con trên tay, gương mặt ngời lên tình mẫu tử được truyền tải thông qua sự kết hợp màu sắc tài tình, nét vẽ tinh tế, đưa người xem vào một thế giới vừa sang trọng, vừa thanh bình và mềm mại.
Bức tranh gần gũi, cảm động, chan chứa tình yêu thương giữa mẹ và con, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi khẳng định: "Bức tranh "Mẹ và con" là một bức vẽ đáng giá. Trong tương lai, tác phẩm này chắc chắn sẽ còn đạt mức giá cao hơn. Nữ họa sĩ Lê Thị Lựu được biết tới như nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, tranh của bà luôn thể hiện sự nữ tính, dịu dàng, giàu cảm xúc".
Ông Ngô Kim Khôi cũng thông tin thêm, trong phiên đấu giá ngày 21/4 vừa qua, còn một tác phẩm đáng chú ý khác, đó là bức tranh "Cò cá" của danh họa Nam Sơn. Đây là một bức tranh đẹp và có nhiều giá trị lịch sử, khi trên tranh có dấu mộc khẳng định nó từng thuộc bộ sưu tập cá nhân của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tuy vậy, do không may mắn, bức tranh chỉ được trả giá hơn 20.000 Euro (khoảng 500.000 triệu đồng).
Bà Lê Thị Lựu (1911 - 1988) là nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Tại thời điểm phụ nữ còn bị ảnh hưởng nhiều bởi nề nếp phong kiến, bà đã quyết định thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thuyết phục gia đình cho học lớp vẽ tranh… khỏa thân. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa 3 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tên tuổi của bà được nhiều người biết tới.
Những năm 1940, Lê Thị Lựu sang Pháp cùng chồng là Ngô Thế Tân, cùng một số họa sĩ Việt Nam khác như Mai Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.
Vào những năm 1950, Lê Thị Lựu đắm mình vào cội nguồn văn hóa Việt Nam, chủ yếu là vẽ tranh bằng mực và bột màu trên lụa. Đề tài yêu thích của bà là phụ nữ và trẻ em Việt Nam, với những gương mặt rạng rỡ được bà khắc họa một cách đặc biệt chân thực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.