Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nếu như quý I/2022, thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam nhiều nhất là Brazil, thứ hai là Campuchia thì sang đến tháng 4/2022, Campuchia lại trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam nhiều nhất.
Theo đó, Campuchia đã bán sang Việt Nam nhiều loại nông sản trị giá 1,6 tỷ USD, chiếm 11,4% thị phần, trong đó mặt hạt điều chiếm 50,8% giá trị.
Tiếp theo là Mỹ và Brazil đều đạt khoảng 1,1 triệu USD, chiếm 8,1% (mặt hàng bông chiếm khoảng 34,4% giá trị hàng từ Mỹ và 30,9% từ Brazil).
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước gần 13,9 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 8,8 tỷ USD, giảm 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 564,3 triệu USD, tăng 13,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 988,2 triệu USD, giảm 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 979,8 triệu USD, giảm 14,9%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 2,4 tỷ USD, tăng 4,0%.
Thực tế, dù là ngành hàng đem lại giá trị xuất khẩu tỷ đô nhưng Việt Nam chỉ chủ động được khoảng 20% nguyên liệu điều cho các nhà máy chế biến, còn lại phải nhập từ châu Phi và mới đây là Campuchia.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, khoảng 90% sản lượng hạt điều của châu Phi được xuất khẩu, chủ yếu sang Việt Nam và Ấn Độ.
Tại một hội nghị bàn giải pháp sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 được Bộ NNPTNT tổ chức, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin, tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước 302.500ha, tăng 5.300 ha; năng suất bình quân 12,1 tạ/ha; sản lượng khoảng 339.800 tấn.
Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn điều thô phục vụ chế biến.
Ngoài hạt điều, Việt Nam cũng đang nhập khẩu nhiều thóc, hạt điều, ngô, đậu xanh, đậu tương của Campuchia với sản lượng năm 2021 tăng 3-4 lần so với năm 2020.
Báo cáo của thương vụ Campuchia tại Việt Nam cho thấy, 11 tháng năm 2021, nước này đã xuất khẩu nông sản được 7,13 triệu tấn sang 68 nước, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, nông sản xuất sang thị trường Việt Nam ngày càng tăng cao.
Theo đó, Campuchia xuất khẩu 3,1 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2020. Còn các nông sản khác xuất sang Việt Nam cũng liên tục tăng 20-400% so với cùng kỳ 2020.
Với sắn tươi, Campuchia xuất sang Việt Nam chiếm 70% tổng sản lượng, đạt hơn 622.000 tấn; hạt điều xuất sang khoảng 912.000 tấn; ngô hạt trên 134.000 tấn; đậu xanh khoảng 26.000 tấn; đậu tương 66.200 tấn và hạt tiêu hơn 26.000 tấn.
Lý giải cho việc Việt Nam mua ngày càng nhiều nông sản từ Campuchia, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, thời gian qua, nhiều người dân và doanh nghiệp Việt có xu hướng sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng khoai, sắn, mía, ngô hay nuôi bò...
Đến khi thu hoạch, những loại nông sản này được đưa trở lại Việt Nam tiêu thụ nên mới có tình trạng nông sản Campuchia xuất khẩu qua nước ta tăng đột biến trong thời gian qua.