Theo báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố, bộ phận phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 4,3 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Các giao dịch này chủ yếu vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4 (lượng tín phiếu bơm trong ngày 29/4 là 3,1 nghìn tỷ đồng).
Trong khi đó, tổng khối lượng đáo hạn ghi nhận ở mức 987 tỷ đồng và giúp khối lượng đang lưu hành tăng lên hơn 6 nghìn tỷ đồng.
SSI Research cho rằng, thanh khoản tiền đồng trong hệ thống đã phần nào xuất hiện áp lực trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng tốt và động thái bán USD kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng trong tuần trước (tuần từ ngày 25 – 29/4). Kết tuần trước, kỳ hạn qua đêm lãi suất ở mức 2,3% (tăng 40 điểm cơ bản so với tuần trước đó) và kỳ hạn 1 tuần 2,6% (tăng 60 điểm cơ bản).
Trong cuộc họp Chính phủ tháng 4, Ngân hàng Nhà nước thông báo tín dụng tính đến ngày 25/4 tăng 6,75% so với cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Khác với nhận định của các chuyên gia trong báo cáo trước dự đoán tín dụng có thể bị ảnh hưởng khi Chính phủ siết chặt trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, thực tế tín dụng vẫn duy trì đà mở rộng. SSI Research nhận định đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy dòng vốn tín dụng thực sự chảy vào hoạt động sản xuất trong bối cảnh trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, các chuyên gia SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đặt 14-15%. Tín dụng cải thiện kéo theo mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư và doanh nghiệp tăng theo. Trong những tuần gần đây, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở cả 2 khu vực, với mức tăng 10-20 điểm cơ bản.
Khảo sát của Dân Việt cũng cho thấy, biểu lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng trong tháng 4 đã được "cộng" thêm từ 0,1 điểm % - 0,3 điểm% tại các kỳ hạn, đặc biệt là trong nửa cuối tháng 4. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất đang đứng ở mức 7,6%/năm.
Căng thanh khoản USD, Ngân hàng Nhà nước "xuất chiêu"
Đối với thị trường ngoại hối, đồng VND đã hầu như đi ngang trong tuần qua trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực chịu áp lực giảm do đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế khi thị trường đang kỳ vọng Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ tăng vượt 8% và tình trạng thiếu hụt nhân công ở thị trường lao động tại quốc gia này.
Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm. Theo đó, lãi suất quỹ liên bang của Fed sẽ dao động trong khoảng 0,75 - 1%.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, ngân hàng trung ương Mỹ còn phát tín hiệu sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán quy mô 9.000 tỷ USD. Kế hoạch này sẽ bắt đầu từ tháng 6 tới, theo từng giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1/6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau ba tháng, mức giảm đối với trái phiếu Kho bạc và các khoản thế chấp sẽ lần lượt tăng lên 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, áp lực trên thị trường ngoại hối đã xuất hiện trong vòng 3 tuần trở lại đây và Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng công cụ bán kỳ hạn hợp đồng USD 3 tháng nhằm hỗ trợ thanh khoản USD cho thị trường - lần đầu tiên kể từ giữa năm 2018.
Dù vậy, bộ phận phân tích cho rằng yếu tố hỗ trợ VND trong giai đoạn này tiếp tục từ nguồn cung USD tích cực (cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD).
Còn theo tính toán của các chuyên gia tại BVSC, đến cuối tháng 4, đồng VND giảm 0,53% so với cuối tháng trước. So với cuối năm 2021, đồng VND cũng giảm 0,57%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY ghi nhận mức tăng 5,40% so với tháng trước và 8,31% so với đầu năm.
Tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á (theo mẫu theo dõi của BVSC) vẫn có diễn biến giảm so với USD trong tháng đầu tiên của năm 2022. Trong đó, đồng won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất, ở mức 6,56%.
Theo BVSC, sau các phát biểu của một số thành viên Fed về việc Fed mạnh tay tăng lãi suất, cùng với việc bắt đầu thực hiện thắt chặt định lượng trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tiếp tục leo cao - Điều này đã khiến đồng USD có diễn biến tăng mạnh trở lại, đồng thời làm các đồng tiền khác mất giá.
Mặc dù vậy, với nền kinh tế vĩ mô ổn định và nguồn dự trữ ngoại hối lớn, BVSC đánh giá biến động của tỷ giá trong năm 2022 sẽ không quá lớn, dao động quanh mức +/-2% trong năm nay.