Chiều 5/5, TAND TP.Hà Nội quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 63 tỷ đồng của 4 người khác.
Theo cáo trạng, Thành vay tiền ông Đặng Nghĩa Toàn bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào Ngân hàng Quốc Dân (NCB) qua 4 sổ tiết kiệm. Thành giữ các sổ này. Cô ta sau đó giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn để vay NCB 47,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Tương tự, Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank. Thành lại dùng các sổ tiết kiệm này vay gần 50 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Việt Á, Thành cũng nhờ ông Toàn và nhiều người khác gửi tiền để cô ta giữ sổ tiết kiệm. "Siêu lừa" sau đó dùng các sổ này làm tài sản đảm bảo, vay và chiếm đoạt 273 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, để được giải ngân khoản vay, Thành đã "lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng", đồng thời giả chữ ký, lăn giả vân tay của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn trên hồ sơ.
Viện kiểm sát xác định, hồ sơ vụ án không đủ căn cứ xác định vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn là đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành trong việc lừa đảo các ngân hàng. Lý do, ông Toàn không nhận được văn bản của ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm của mình bị cầm cố; các tài khoản của ông không bị phong tỏa, hằng tháng chủ sở hữu vẫn nhận được các khoản lãi.
Trong phần xét hỏi, Nguyễn Thị Hà Thành cho rằng quan hệ của mình và ông Toàn là vay nợ bằng cách cả hai cùng gửi tiền ngân hàng qua hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu. Sau đó, Thành sẽ mượn ông Toàn hợp đồng này để photocopy, mang đi "chứng minh năng lực tài chính" nhằm tham gia các dự án. Đổi lại, Thành trả cho ông Toàn lãi 4,2%/tháng.
Chủ tọa Phan Huy Cương nêu nghi vấn, đây có phải hình thức "thuê sổ tiết kiệm". Ông nói: "Chưa bao giờ thấy hình thức vay tiền như vậy, chúng tôi phải hỏi học kinh nghiệm của bị cáo. Bị cáo có giấu diếm gì không?".
Thành đáp: "Không, đã khai báo thành khẩn" và thêm rằng, ông Toàn có nhiều tiền nên: "Được quen biết người như vậy, bị cáo thấy oai". Cô ta cho hay, đã trả ông Toàn 35 tỷ đồng nhưng không có giấy tờ.
Ngược lại, ông Toàn khẳng định mới nhận khoảng 4 tỷ đồng tiền lãi từ Thành, không có khoản 35 tỷ đồng. Vị này nói giao nhận số tiền lớn như vậy mà không có giấy tờ gì là: "Chuyện hoang đường".
Ông Toàn khai, cho Thành "mượn" sổ tiết kiệm vì cô ta giới thiệu là nhân viên ngân hàng, cần "chạy chỉ tiêu" và việc Thành cầm sổ sẽ không ảnh hưởng số dư bên trong do chỉ chủ sở hữu thực sự mới có thể rút tiền.
Chủ tọa nêu câu hỏi: "Có vô lý không khi chỉ cho cầm sổ rồi nhận lại 4 tỷ đồng tiền lãi?". Ông Toàn phản bác, nói mình là người kinh doanh nên chỉ cần không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức thì "cứ có lãi là làm".
Vị này khẳng định: "Không biết việc Thành mang sổ của mình đi thế chấp, vay tiền" sau đó ngồi xuống ghế, lấy khăn chấm nước mắt.
Chủ tọa gọi tiếp tục xét hỏi một bị cáo là nhân viên Ngân hàng NCB và người này khai đã: "Thông báo cho vợ chồng anh Toàn việc sổ tiết kiệm sẽ được Thành dùng để vay tiền". Bị cáo này đánh giá vợ chồng ông Toàn "nắm được" thông tin Thành vay tiền bằng sổ tiết kiệm của họ.
Trước những lời khai mâu thuẫn, Hội đồng xét xử hội ý và ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung việc vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn có đồng phạm với Thành trong việc lừa đảo hay không? Thực chất vay nợ giữa 2 bên ra sao? Ngoài ra, hồ sơ vụ án thời điểm hiện tại cũng chưa làm rõ được tổng số tiền lãi ông Toàn đã nhận từ Thành và số tiền lãi Thành đã nhận từ các ngân hàng là bao nhiêu?