Dân Việt

Đắk Nông: Nhặt thứ xưa cả làng vứt đầy đồng, chất đống ven đường, nay chưa kịp bó đã có người gạ mua

Kim Ngân 08/05/2022 06:25 GMT+7
Nhiều năm qua, rơm rạ đã trở thành một mặt hàng tương đối có giá trị, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng lúa. Việc thu gom rơm rạ cũng mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, giúp sản xuất lúa bền vững hơn.

Vụ đông xuân này, tại các cánh đồng lúa trên địa bàn các huyện Cư Jút, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông)... không còn cảnh đốt rơm rạ diễn ra nhiều như trước đây. Thay vào đó, bà con nông dân đã sử dụng máy cuộn rơm để thu gom, mang về dự trữ làm thức ăn cho gia súc, tủ gốc cây trồng hoặc bán cho các hộ trồng nấm…

Đắk Nông: Nhặt thứ xưa cả làng vứt đầy đồng, chất đống đường, nay chưa kịp bó đã có người gạ mua - Ảnh 1.

Hoạt động thu gom rơm rạ giúp mang lại thu nhập cho người trồng lúa tỉnh Đắk Nông.

Trên cánh đồng xã Buôn Choáh (Krông Nô), sau khi máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa xong, máy cuộn rơm cũng bắt đầu hoạt động. Những cuộn rơm tròn trịa, nằm xếp hàng trên mặt ruộng được bà con vận chuyển về sử dụng, bán cho thương lái.

Theo ông Nông Văn Giản, ở thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh, vì gia đình không có nhu cầu sử dụng, nên ông bán rơm rạ cho thương lái. Nguồn thu từ những loại phế phẩm nông nghiệp này cũng đủ để ông trả công thuê máy gặt.

Tại cánh đồng xã Cư K’nia (Cư Jút), ông Nguyễn Văn Chiều, thương lái đến từ Đắk Lắk, đang sử dụng máy cuộn rơm để thu gom rơm rạ chở đi tiêu thụ. Theo ông Chiều, nhu cầu sử dụng rơm rạ của các hộ trồng hồ tiêu, nấm... là rất lớn.

Lượng rơm rạ ông thu gom đến đâu là tiêu thụ đến đó. Trong vụ đông xuân này, mặt ruộng khô cứng, nên máy cuộn rơm của ông hoạt động dễ dàng, chất lượng rơm tốt. Việc thu gom rơm rạ cũng mang lại cho ông khoản thu nhập khá.

Ông Lê Văn Thiết, một hộ trồng hồ tiêu ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) cho biết, vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt, nên bà con nông dân thường phải mua rơm rạ về phủ gốc cho vườn hồ tiêu.

Do đó, những năm gần đây, rơm rạ đã trở nên khan hiếm, giá cũng khá đắt đỏ. Năm nay, ông mua gần 150 cuộn rơm, với giá 30.000 đồng/cuộn, tổng chi phí hết 4,5 triệu đồng.

Tiền bán rơm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng lúa. Bình quân mỗi ha lúa, bà con thu được tầm 1 triệu đồng từ bán rơm rạ. Nguồn thu này đủ để bà con trang trải cho nhiên liệu thu hoạch lúa.

Còn đối với các thương lái, sau khi trừ các khoảng chi phí, họ cũng thu về từ 1 triệu đồng/ha ruộng từ kinh doanh rơm rạ. Nhiều năm qua, kinh doanh rơm rạ đã trở thành một nghề tương đối ổn định đối với họ.

Theo bà Nguyễn Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia (Cư Jút), nhiều năm nay, bà con nông dân đã hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng, ảnh hưởng đến môi trường.

Nguồn rơm rạ sau thu hoạch cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng lúa, giúp bảo vệ các loại cây trồng khác tốt hơn. 

"Thu gom rơm rạ một cách bài bản đã thể hiện quy trình sản xuất lúa ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả", bà Út chia sẻ.

Tổng diện tích lúa trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Glong và lượng rơm rạ mỗi năm lên tới hàng ngàn tấn. Rơm rạ giúp nhà nông làm phân bón, trồng nấm, thức ăn gia súc, giữ ẩm cho cây trồng...