Dân Việt

Phú Quốc: Thu hồi đất làm dự án du lịch sinh thái, người dân không đồng tình

Đông Anh 13/05/2022 11:26 GMT+7
Hàng chục hộ dân sinh sống ở xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã không đồng tình nhận tiền bồi thường và giao đất cho dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm. Vì sao?

Đền bù giá rẻ, rao bán với giá trên trời

Hiện có 10 hộ dân thường trú lâu năm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, báo chí... 

Bà Trịnh Thị Đượm (sinh 1969) - đại diện các hộ dân - cho biết: Vào những năm 1989 – 1990, hộ bà Đượm và nhiều gia đình khác đã phiêu bạt đến vùng đất Bãi Thơm để khai hoang, lập ấp, canh tác từ hai bàn tay trắng.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 1.

Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục hộ dân xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc. Ảnh: Đông Anh

"Thời điểm đó, đường xá, trường trạm, điện đóm đều không có. Chúng tôi phải vật lộn với cuộc sống vất vả, con cái thất học, ốm đau không có trạm xá, bệnh viện hay thuốc men. Thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi, cùng với Bộ đội Biên phòng vẫn vượt qua tất cả để giữ đất, giữ biển. Đến nay đã là 32 năm, hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất này" - bà Đượm kể với PV Dân Việt.

Những năm gần đây, "đảo ngọc" Phú Quốc nói chung và xã Bãi Thơm nói riêng đã lột xác, phát triển từng ngày, đời sống người dân Bãi Thơm đỡ vất vả hơn. Những tưởng tương lai của người dân sẽ sáng sủa, thì bất ngờ chính quyền địa phương thông báo thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án với giá đền bù vô cùng rẻ mạt.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 2.

Hàng chục hộ dân ở xã Bãi Thơm có công khai khẩn, giữ đất hàng chục năm; nay bị thu hồi đất để doanh nghiệp tư nhân làm dự án khu du lịch. Ảnh: Đông Anh

Cụ thể, đầu tháng 3/2018, người dân nơi đây đồng loạt nhận được thông báo của UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm (tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm). Đất thu hồi, sẽ được giao cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Ông Trịnh Văn Điển – hộ dân bị thu hồi đất – nói: "Trong thông báo thu hồi đất, họ không cho chúng tôi cơ hội để ngồi với doanh nghiệp, nhằm thỏa thuận giá đất đền bù sao cho thỏa đáng. Thay vào đó, trong thông báo thu hồi đất, chính quyền chỉ nói chung chung rằng, nếu không đồng tình thì nhà nước vẫn thực hiện thống kê, đo đạc… theo luật pháp".

Sau đó, từ năm 2019 – 2022, chính quyền đã ra nhiều thông báo về việc chi trả/chi trả bổ sung tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân, giá đền bù mà chính quyền địa phương áp cho họ là rất thấp.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 3.

Mặc dù mới trong giai đoạn thu hồi đất và bồi thường, đã có bảng thông tin về dự án, với nhiều lô, nhà, biệt thự hoành tráng. Ảnh: Đông Anh

Ngày 25/12/2019, UBND TP Phú Quốc ban hành Quyết định 6352/QĐ-UBND về việc thu hồi 6.436m2 đất của ông Trịnh Văn Biển với lý do "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".

Mảnh đất này, sau đó có quyết định bồi thường với số tiền tổng cộng là hơn 5,4 tỷ đồng (bình quân khoảng 853.000 đồng/m2). Số tiền trên đã bao gồm bồi thường tiền đất đai, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, cây trồng, vật kiến trúc.

Trong ngày 25/12/2019, ông Biển đã bị thu hồi thêm 1 miếng đất diện tích 2.525,4m2 và được bồi thường với giá 2,1 tỷ đồng.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 4.

Trạm kiểm soát của Bộ đội Biên phòng gắn bó hàng chục năm với các hộ dân xã Bãi Thơm để thực hiện nhiệm vụ giữ đất, giữ biển đảo. Ảnh: Đông Anh

Tương tự, ông Trịnh Văn Điển, bị thu hồi mảnh đất 4.790,8m2 và được đền bù số tiền 3,4 tỷ đồng.

"Ban đầu, họ nói thu hồi đất để "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng", chúng tôi chấp nhận. Vì hơn nửa đời người gắn bó ở mảnh đất này; hơn ai hết, chúng tôi là những người muốn quê hương ngày một phát triển, đổi mới, chấp nhận thua thiệt cũng được.

Nhưng sau đó, chúng tôi lại nghe tin, chính quyền lấy đất của chúng tôi để giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án thương mại. Như vậy, sao lại phổ biến với dân là để "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng"? Điều này không đúng với thực tế" - ông Điển nói.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 5.

Hình ảnh nhà cửa một hộ dân sinh sống hơn 30 năm tại xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, đang bị xếp vào diện phải di dời, giao dất cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án. Ảnh: Đông Anh

Theo ông Điển, nếu doanh nghiệp làm dự án thương mại, vì lợi nhuận của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phải trực tiếp xuống thỏa thuận với người dân về giá đất đền bù. Không thể có việc chính quyền địa phương lại đứng ra thay mặt doanh nghiệp, nhân danh nhà nước, vin lý do "phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng" để thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt. 

Doanh nghiệp hưởng lợi, nhà nước có được gì, mà người dân thì mất đất sản xuất, không còn nơi ở trên chính mảnh đất mà người dân đã khai phá, giữ gìn hàng chục năm.

Có nhập nhèm "vì lợi ích quốc gia, cộng đồng" để doanh nghiệp hưởng lợi?

"Vừa rồi, nhân viên kinh doanh bất động sản ở Phú Quốc cho rằng dự án này chuẩn bị được chủ đầu tư chào bán với giá khoảng 100 triệu đồng/m2. Vậy mà chỉ đền bù cho người dân chỉ với mức giá hơn 800.000 đồng/m2. Chưa kể, giá đất bồi thường tại các dự án lân cận từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2. Điều này cho thấy, mức bồi thường không thoả đáng, người dân chúng tôi chịu thiệt đơn, thiệt kép" - bà Trịnh Thị Đượm nói.

Theo bà Đượm, hầu hết người dân bị thu hồi đất đều sẵn sàng nhường đất cho dự án vì sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên yêu cầu việc bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư phải hợp lý. Đó là phải xem xét đến yếu tố giá cả thị trường, tình hình thực tiễn tại địa phương, những khó khăn của người dân.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 6.

Khu dân cư ấp Rạch Tràm - nơi có nhiều hộ dân bị thu hồi đất với giá rẻ. Ảnh: Đông Anh

Trong khi đó, trả lời phóng viên về sự vụ trên, ông Nguyễn Trọng Thưởng – Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, đại diện bộ phận giải phóng mặt bằng và trực tiếp giải quyết các khiếu nại của người dân – cho biết: "Vụ việc người dân không đồng tình giá đền bù, chính quyền địa phương đã nắm bắt. Hiện tôi đang họp với lãnh đạo thành phố, sẽ báo cáo sự vụ này và sớm có biện pháp xử lý, giải quyết, trả lời các cơ quan báo chí".

Trong khi đó, theo luật sư Lê Ngô Trung - Giám đốc Công ty luật TNHH Trung Lê và Cộng Sự: Điều 62 - Luật Đất đai quy định rõ các trường hợp thu hồi đất để "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng". 

Trong đó, ngoài các trường hợp thu hồi để thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định đầu tư, thì có trường hợp thu hồi để thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Tương ứng với mỗi trường hợp sẽ quy định rõ từng loại dự án.

Đối chiếu với các trường hợp được liệt kê theo khoản 3 của điều luật này, không có bất trường hợp nào quy định về việc thu hồi đất để thực hiện "dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư".

"Trên thực tế một số dự án đơn thuần phát triển kinh tế vì lợi ích của doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư không muốn thỏa thuận mua lai đất của người sử dụng đất nên thường lợi dụng sự quy định chưa rõ ràng của pháp luật để vận dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất.

Phú Quốc: Thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án du lịch sinh thái, vì sao người dân không đồng tình? - Ảnh 8.

Những khu đất người dân đang sản xuất đã bị quy hoạch vào dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm. Ảnh: Đông Anh

Việc nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp gây thiệt hại cho người đang sử dụng đất bị thu hồi; bởi lẽ giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thấp hơn nhiều lần so với giá trị đất thực tế, dẫn đến việc nhiều vụ khiếu kiện đông người, kéo dài. 

"Trong trường hợp này rõ ràng không có sự hài hòa giữa lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư và của người đang sử dụng đất, sự không minh bạch này cũng là tiền đề cho những sai phạm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai" – luật sư Lê Ngô Trung nói.