Hôm 7/5, trong một hội nghị của Financial Times ở Washington DC, Giám đốc CIA William Burns nói rằng các cơ quan tình báo của Mỹ chưa thấy bất kỳ "bằng chứng thực tế" nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông Putin có thể sử dụng những loại vũ khí như vậy.
Ông Burns nói: "Tại thời điểm này, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng thực tế nào về việc Nga lên kế hoạch triển khai hoặc thậm chí tiềm năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật". Tuyên bố này cũng giống với những gì ông đã nói vào đầu tháng 4/2022.
Tuy nhiên, ông Burns nói thêm theo quan điểm của mình, Tổng thống Putin "không tin rằng mình có thể thua", và do đó Mỹ vẫn nên "tập trung cao độ" vào mối đe dọa hạt nhân tiềm ẩn.
Điện Kremlin khẳng định rằng Nga sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân chống lại nước láng giềng Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Alexei Zaitsev hôm 6/5 tuyên bố: "Nga kiên quyết tuân thủ nguyên tắc 'không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân'".
Tuy nhiên, hồi tháng trước, Tổng thống Zelensky nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine, đồng thời kêu gọi thế giới "sẵn sàng" cho khả năng này.
Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cũng suy đoán về khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân như vậy, với lý do Nga đã đặt các lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao ngay từ đầu cuộc xung đột Ukraine. Ngoài ra, ông Putin từng cảnh báo các cường quốc bên ngoài can thiệp vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả "chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử".
Phát biểu với Newsweek hôm 5/5, Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, nói rằng chính Moscow "trong những năm gần đây đã kiên trì đề xuất với phía Mỹ rằng không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, vì vậy điều này sẽ không bao giờ xảy ra".
Không giống như loại đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), vũ khí hạt nhân chiến thuật là thiết bị nhỏ hơn, mức năng lượng linh hoạt, có thể được thả từ máy bay, thường lắp vào tên lửa tầm ngắn hoặc bắn từ pháo. Mức năng lượng của chúng thường thay đổi từ dưới một kiloton đến 100 kiloton. Để tham khảo, quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima trong Chiến tranh thế giới thứ hai có đương lượng 15 kiloton.
Nga, quốc gia sở hữu nhiều hơn Mỹ 700 đầu đạn hạt nhân, khẳng định rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của mình, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa.