Dân Việt

Tây Ninh: Sống tạm bợ trên nhà sàn, xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng xả thải trực tiếp xuống lòng hồ

Trần Khánh 09/05/2022 16:08 GMT+7
Không có nhà vệ sinh, không có xe đến thu gom rác, người dân xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành (huyện Tân Châu, Tây Ninh) xả thải trực tiếp xuống lòng hồ.

Vấn đề vệ sinh cho xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng chưa được giải quyết triệt để, nguồn cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt từ hồ Dầu Tiếng đang chịu tác động tiêu cực.

Ô nhiễm ở xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng

Bà Nguyễn Thị Thư, một người dân di cư từ Campuchia về ấp Tà Dơ cho biết, chỉ có vài hộ dân có điều kiện mua nước sạch nấu ăn. Việc giải quyết nhu cầu tắm rửa hoặc vệ sinh thì chạy ghe ra giữa hồ, hoặc tìm vào rừng cao su gần đó. 

Những căn chòi xập xệ trên vùng đất bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tà Dơ trở thành nơi che mưa, che nắng của hàng trăm hộ dân. Cuộc sống tạm bợ khu vực này đã phát sinh nhiều vấn đề, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hồ Dầu Tiếng ngoài việc cung cấp nước thủy lợi, còn là nguồn nước cho các nhà máy xử lý để cung cấp nước sinh hoạt trong và ngoài tỉnh Tây Ninh.

Toàn huyện Tân Châu hiện có hơn 950 hộ dân, với hơn 4.800 nhân khẩu là người dân di cư tự do từ Campuchia về sinh sống. Số dân di cư tập trung đông nhất ở xã Tân Thành với gần 500 hộ.

Theo UBND xã Tân Thành (huyện Tân Châu), từ năm 2005, chỉ có vài hộ di cư từ khu vực Biển Hồ (Campuchia) về ấp Tà Dơ.

Sau đó là hàng chục, rồi hàng trăm hộ về tá túc ở khu vực này. Lâu dần, ấp Tà Dơ đã hình thành nên xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng.

img
img

Xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng khu vực ấp Tà Dơ, xã Tân Thành (huyện Tân Châu). Ảnh: Trần Khánh

Năm 2017, tỉnh Tây Ninh phối hợp với Quỹ Đạo Phật Ngày Nay của chùa Giác Ngộ (TP.HCM) xây dựng 183 căn nhà tình thương tại khu tái định cư, ấp Đồng Kèn 2 (xã Tân Thành) để di dời các hộ dân từ ấp Tà Dơ về.

Tuy nhiên, đến nay, ấp Tà Dơ vẫn còn hơn 170 hộ dân, với hơn 770 nhân khẩu đang sinh sống tạm bợ ven hồ Dầu Tiếng.

Tại khu vực tái định cư (ấp Đồng Kèn 2), nhà cửa được xây cất làm chỗ ở ổn định, có công trình vệ sinh. Người dân ở đây cũng được dùng nước sạch để sinh hoạt.

Khu vực ấp Tà Dơ không có công trình vệ sinh. Người dân sống ở trên nhà sàn. Rác thải vứt khắp nơi, thậm chí là vứt luôn xuống hồ Dầu Tiếng.

Không có nhà vệ sinh nên việc giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân đều thải trực tiếp ra lòng hồ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Hạn chế phát sinh nhà chòi ở xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng

Ông Nguyễn Văn Lý - Tổ trưởng tổ dân cư tự quản số 2, ấp Tà Dơ cho biết, đa số bà con nơi đây đi làm mướn hoặc làm nghề chài lưới. Đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn nhà vệ sinh.

Vì là xóm tự phát nên không có xe đến thu gom rác hàng ngày. Người dân thường vứt rác sinh hoạt khắp nơi. Nhiều người dân ở ấp Tà Dơ rất muốn được bố trí xe thu gom rác.

Cuộc sống tạm bợ của cư dân xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Khánh

Cuộc sống tạm bợ của cư dân xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Khánh

Ông Huỳnh Tấn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, vấn đề vệ sinh môi trường ở khu vực ấp Tà Dơ đang gây tác động tiêu cực đối với nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thành.

Ông Hiệp đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh cần sớm có chính sách di dời toàn bộ các hộ dân đang ở ven hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tà Dơi lên khu tái định cư.

"Có như vậy mới ổn định được vấn đề môi trường, đảm bảo vệ sinh hồ Dầu Tiếng", ông Hiệp nói.

Đa số người dân ở xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng đi làm mướn hoặc làm nghề chài lưới. Đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn nhà vệ sinh. Ảnh: Trần Khánh

Đa số người dân ở xóm tạm cư hồ Dầu Tiếng đi làm mướn hoặc làm nghề chài lưới. Đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn nhà vệ sinh. Ảnh: Trần Khánh

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, địa phương sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ từ bỏ thói quen lâu nay.

Hiện nay, phần diện tích đất bán ngập thuộc lòng hồ Dầu Tiếng do Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (thuộc Bộ NNPTNT) quản lý.

Huyện Tân Châu đã có văn bản kiến nghị để UBND tỉnh Tây Ninh có tác động đến Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương.

Bà Phượng cho biết, việc phối hợp này nhằm ngăn chặn không để cho người dân tự ý phát sinh thêm những nhà chòi trên vùng bán ngập, để đảm bảo vệ sinh nguồn nước hồ Dầu Tiếng.