"Đóng cửa" hồ Dầu Tiếng, ngừng khai thác cát vì nghi đầu cơ

Nguyễn Vy Thứ hai, ngày 22/04/2019 09:52 AM (GMT+7)
Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đã chính thức tạm ngưng theo quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh để đánh giá chất lượng nước và tình hình khai thác cát hiện tại.
Bình luận 0

Tuy nhiên, từ vài ngày trước, người dân cho biết đang mua cát xây dựng ở các bãi trong khu vực hồ Dầu Tiếng với giá 300.000 đồng/m3; cao hơn giá bán quy định của UBND tỉnh Tây Ninh là 245.000 đồng/m3.

Đáng nói, mức giá này tăng cao bất thường, nghi có dấu hiệu đầu cơ để bán giá cao.

img

Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng tạm ngưng từ ngày 20.4. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo ông Lễ Xuân Túc, một chủ thầu xây dựng ở Tây Ninh, nguồn cát trong lòng hồ Dầu Tiếng được đánh giá có chất lượng tốt hơn các loại cát sông do hạt to, ít tạp chất, đảm bảo chất lượng bê tông cho các công trình lớn. Thế nên, những động thái liên quan đến hoạt động khai thác cát trong lòng hồ luôn khiến giá mặt hàng vật liệu xây dựng này biến động khó lường.

Thực tế, tình trạng này đã diễn ra nhiều lần. Nhất là khi có đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp khai thác cát sẽ hạn chế hoặc dừng hẳn việc bán cát; đợi khi giá cát tăng lên đỉnh điểm rồi mới bán kiếm lời cao.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng là thực hiện theo đề nghị của Bộ NNPTNT nhằm bảo đảm chất lượng hồ cấp nước sinh hoạt cho Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM; đồng thời rà soát, đánh giá tình hình khai thác cát, báo cáo về Bộ.

Việc khai thác cát chỉ được tiến hành trở lại khi được UBND tỉnh thông báo xác định hoạt động khai thác cát không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và đáp ứng các quy định của Luật Thuỷ lợi, quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Dự kiến thời gian tạm ngưng tối thiểu 2 tháng.

img

Giá cát xây dựng hồ Dầu Tiếng bất ngờ tăng cao bất thường. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo ông Túc cho rằng khi nhu cầu xây dựng đang tăng cao giữa mùa khô, việc tạm ngưng khai thác sẽ khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Không chỉ cát hồ, cát sông cũng sẽ hút hàng và tăng giá theo. Nhu cầu xây dựng và các đơn vị thi công bị ảnh hưởng theo vì chi phí vật tư tăng cao.

Ông Trần Ngọc Vương, người dân ngụ huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) thì cho rằng không chỉ quản lý giá cát xây dựng những ngày tới, tránh gây sốt ảo mà các cấp chính quyền còn phải tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác cát lậu trên các dòng sông vốn gây bức xúc lâu nay.

Không chỉ ở Tây Ninh, hoạt động khai thác cát lậu trên các dòng sông ở địa bàn giáp ranh khu vực Đông Nam Bộ luôn thu hút sự quan tâm của người dân do ảnh hưởng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Mới đây, người dân ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cũng đứng ngồi không yên vì tình trạng khai thác cát ở dòng sông Đạ Huoai, khiến hàng chục ha đất của họ có nguy cơ bị sạt lở xuống sông.

img

UBND tỉnh đang đề ra biện pháp bảo đảm môi trường nước như di dân, không để tái diễn tình trạng nuôi trồng thuỷ sản trong hồ... để bảo đảm môi trường nước. Ảnh: Nguyễn Vy

Trong năm 2018, dư luận cũng không ít lần bàn tán, cho rằng nước hồ Dầu Tiếng có biểu hiện đục, không xanh là do hoạt động khai thác cát trong lòng hồ gây nên.

Hồ Dầu Tiếng được tích nước từ sông Sài Gòn và điều tiết từ hồ Phước Hoà. Hiện hồ tiếp nhận hơn 40 nguồn nước thải. Nhằm bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm, các nguồn thải được Tây Ninh cấp phép thải vào lưu vực hồ đều đã được chủ nguồn thải xử lý đạt cột A theo quy chuẩn.

UBND tỉnh cho biết, thực chất việc nước hồ có màu đục hay xanh là do nhiều yếu tố khác nhau tác động. UBND tỉnh đang đề ra biện pháp đồng bộ để bảo đảm môi trường nước như di dời dân di cư tự do ra khỏi khu vực lòng hồ, quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải, không để tái diễn tình trạng nuôi trồng thuỷ sản trong hồ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem