Dân Việt

Trẻ chậm nói, cha mẹ làm gì để "luyện giọng" cho con?

Tuấn Kiệt 10/05/2022 09:31 GMT+7
Sau thời gian dài nghỉ học do dịch Covid-19, nhiều cha mẹ có con học mầm non, tiểu học lo lắng khi con đã chậm nói lại càng chậm nói, ít nói hơn.

Trẻ chậm nói do cha mẹ cho con "giao tiếp" với điện thoại, máy tính từ sớm

Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, sau thời gian dài nghỉ học, trẻ em đến trường bộc lộ không ít rắc rối về ngôn ngữ như chậm nói, nói ít, nói ngọng. 

"Nhiều trẻ học lớp 1, lớp 2 có hiện tượng thoái lùi ngôn ngữ (trước đây khi học ở trường đã nói được nhiều, nhưng sau khi nghỉ dịch thì không thấy nói nhiều như trước nữa). Cung có trẻ đã nói ngọng nay lại càng ngọng hơn", cô giáo Hương chia sẻ. 

Còn theo bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), gần đây số trẻ đến khám vì tình trạng chậm nói cũng gia tăng, chủ yếu ở lứa tuổi 2-3 tuổi. May mắn, 95% trong số này là trẻ chậm nói đơn thuần, không kèm theo nguyên nhân vật lý hoặc tâm lý đi kèm.

Trẻ chậm nói, cha mẹ làm gì để "luyện giọng" cho con? - Ảnh 1.

Để trẻ đỡ quấy, cha mẹ thường cho con xem điện thoại, ipad từ rất sớm làm tăng nguy cơ chậm nói ở trẻ. Ảnh minh họa Istockphoto

 Theo bác sĩ Thạc, chỉ 5% các trẻ chậm nói đến khám liên quan đến bệnh lý do trẻ có bất thường hở môi hở hàm ếch, trẻ có biểu hiện bất thường về tâm thần, trẻ có thính lực kém, do biến chứng bệnh lý màng não, do rối loạn phổ tự kỷ… Còn lại đa phần trẻ chậm nói chỉ vì "không có cơ hội nói" và các yếu tố tâm lý khác.

Bác sĩ Thạc phân tích, từ 2-3 tuổi là khoảng thời gian vàng để trẻ phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại bận rộn nên ít tương tác, giao tiếp, luyện nói chuyện với trẻ. Nhiều cha mẹ ngại con quấy phá nên chỉ "dúi" cho con cái điện thoại, ipad hoặc bật ti vi để con "dí" mắt vào xem là xong. Điều đó khiến trẻ không có cơ hội để nói, làm tăng nguy cơ chậm nói ở trẻ. 

"Tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử là cách giao tiếp thụ động, là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, không phát triển ngôn ngữ. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo, trẻ trên 2 tuổi mới được tiếp xúc với thiết bị điện tử, thời lượng tiếp xúc cũng ở mức hạn chế, không quá 2 giờ đồng hồ để không ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ", bác sĩ Thạc nhận định.

Trẻ chậm nói, cha mẹ làm gì để "luyện giọng" cho con? - Ảnh 2.

Cha mẹ cần tăng tương tác, trò chuyện với con mới có thể khắc phục được tình trạng chậm nói của con. Ảnh minh họa Istockphoto

Khắc phục tình trạng chậm nói cho con bằng cách nào?

Bác sĩ Thạc khẳng định, khi trẻ chậm nói thì trách nhiệm lớn thuộc về cha mẹ và muốn khắc phục tình trạng chậm nói của con thì cha mẹ cũng đóng vai trò quyết định.

"Điều kiện tiên quyết là hạn chế cho các con tiếp xúc với các thiết bị điện tử và tăng khả năng tương tác, giao tiếp với trẻ.

Cha mẹ bận rộn nhưng buổi tối phải dành thời gian chơi với trẻ bằng các trò chơi tương tác như trốn tìm, nói chuyện, đá bóng, chơi vòng… sẽ khiến trẻ thích thú và có thể bật được âm nói.

Đặc biệt, nên dạy trẻ tiếp xúc bằng mắt càng nhiều càng tốt. Việc này sẽ giúp trẻ dần dần hiểu được người lớn nói gì, thêm vào đó, trẻ muốn gì thì cha mẹ nên dạy bé chỉ những vật cần, dạy bé nói các đồ vật đó, điều này cải thiện tình trạng giao tiếp phi ngôn ngữ, tình trạng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ rất hiệu quả", bác sĩ Thạc chia sẻ.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ cũng giúp trẻ phát triển thể chất, trí não. Phát triển trí não là một quá trình phát triển liên tục từ trong bào thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi và trong suốt giai đoạn học đường.

Trẻ cần được đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với 4 nhóm thành phần thực phẩm cơ bản như: nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin khoáng chất, omega 3. Trong đó, omega giúp bảo vệ tế bào não, giúp cho tế bào não phát triển tối ưu, giúp hệ thống thần kinh dẫn truyền tiện lợi, tiếp nhận thông tin chính xác, nhanh hơn.

Về chế độ dinh dưỡng giúp trẻ khắc phục tình trạng chậm nói ở trẻ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), Chủ tịch Chi Hội Dinh dưỡng Nhi khoa cho biết, nhóm axit béo omega 3 – axit béo chưa no đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với não bộ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các thực phẩm chứa nhiều omega như: cá trích, cá thu, cá hồi, hàu, quả óc chó, đậu nành… Tuy nhiên, trẻ cần được bổ sung nhóm omega bởi cơ thể của trẻ không thể tự tổng hợp được chất này.

Theo bác sĩ Hải, trong các loại axit béo omega 3 thì omega thực vật không mùi, không tanh, không gây kích ứng nôn trớ, thích hợp với trẻ hơn. Đồng thời omega thực vật rất dễ hấp thu, dễ dung nạp và đặc biệt rất an toàn với trẻ. 

"Cha mẹ cần lưu tâm đến tình trạng chậm nói của con, đưa con đi khám và tư vấn những kỹ năng để khắc phục tình trạng chậm nói cho con, kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nếu để trẻ chậm nói kéo dài sẽ khiến trẻ nhút nhát, tự ti, ảnh hưởng đến trí thông minh và cảm xúc của trẻ. 

Thậm chí, trẻ chậm nói kéo dài còn có thể làm tăng nguy cơ tăng động giảm chú ý, giảm tư duy ngôn ngữ logic, thậm chí khiến trẻ bị tự kỷ", bác sĩ Thạc khuyến cáo.