Trẻ em Việt "đói" vitamin, lười hoạt động

Diệu Linh Thứ năm, ngày 10/12/2020 15:09 PM (GMT+7)
Trẻ em ngày nay ăn nhiều, lười hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì, đồng thời trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng cũng không ít.
Bình luận 0

Con béo phì vì cha mẹ bận

Chị Trần Hồng Mai (Hà Nội) cho biết, từ nhỏ, do bận bịu nên chị thường dúi cho con chiếc điện thoại để con ngồi yên chơi một chỗ. Lớn hơn, chị lại sắm máy tính cho con "học tập", dù chị biết con chị dành nhiều thời gian chơi game. Hơn nữa, chị cũng lười nấu nướng chủ yếu mua đồ ăn nhanh, rán, nướng.

Do đó, con chị hiện nay mới 11 tuổi nhưng nặng tới 60kg, chỉ thích ngồi nhà chơi game, xem tivi mà không thích hoạt động. "Con càng béo lại càng lười vận động, dù bây giờ tôi hối hận muốn kéo con ra ngoài tập thể dục cũng khó", chị Mai chia sẻ.

Đây cũng là câu chuyện của nhiều gia đình hiện đại.

Năm 2019, bác sĩ Trần Khánh Vân và đồng nghiệp Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã tiến hành Nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của hơn 5.000 học sinh tiểu học, THCS, THPT của 75 trường tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An, tỉnh Sóc Trăng.

Trẻ em Việt "đói" vitamin, lười hoạt động - Ảnh 1.

Khám dinh dưỡng cho trẻ tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh Dương Ngọc

Kết quả cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị. Cụ thể, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 17,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi, gầy còm của trẻ em nông thôn lại cao hơn nhiều so với trẻ em thành thị. Học sinh THCS nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, gầy còm lên tới 15,6% còn học sinh thành thị là 3,8% và 3,4%.

Nghiên cứu cũng cho thấy, khẩu phần ăn của học sinh THCS và THPT chưa đạt ngưỡng khuyến nghị về khẩu phần canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C. Tuy nhiên, lượng chất béo động vật trong bữa ăn, trong đồ ăn nhanh lại tăng quá cao. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt như thường xuyên ngồi trước màn hình tivi, điện thoại, sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất đạm và béo, ít chất xơ làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Một điểm đáng lưu ý khác là học sinh tiểu học và THCS hoạt động thể lực mức trung bình chiếm đa số, sau đó là mức thấp và mức nhiều, hoạt động thể lực mức cao chiếm tỷ lệ rất ít chỉ 1-3%.

Tình trạng ăn nhiều nhưng thiếu vitamin, lười vận động khiến cho trẻ em Việt Nam có thể vừa béo phì lại vừa thiếu dinh dưỡng, thấp còi. 

PGS – TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trẻ thừa cân béo phì có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Bệnh béo phì làm tăng nguy cơ huyết áp cao và dẫn đến các hệ lụy như tai biến mạch máu não, tăng cholesterol dẫn đến nhồi máu cơ tim… Trẻ béo phì cũng mắc nhiều vấn đề về tâm lý khi tự ti về hình thể, lười tiếp xúc, ít trao đổi với mọi người...

Trẻ em Việt "đói" vitamin, lười hoạt động - Ảnh 2.

Trẻ ngồi nhiều, lười hoạt động dẫn đến nguy cơ béo phì rất lớn

Quan trọng nhất là vận động

Về nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì, GS Phan Thị Kim - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay nhiều trẻ bị "nhồi nhét" quá nhiều đồ ăn giàu chất béo, chất đạm mà lại lười vận động. Bên cạnh đó, trẻ em chỉ thích tập trung vào các trò chơi điện tử, xem tivi nên các hoạt động thể lực, chạy nhảy ngày càng ít.

 "Muốn con giảm béo, cái chính là phải cho con những bữa ăn lành mạnh, nhiều rau xanh, chất xơ và kéo con ra khỏi tivi, máy tính để con vận động, chạy nhảy nhiều hơn", bà Kim chia sẻ.

Bà Trần Thúy Nga (đồng nhóm nghiên cứu) cũng cho rằng, bên cạnh việc theo dõi về chế độ dinh dưỡng, cung cấp cho trẻ khẩu phần ăn cân đối, có nhiều rau xanh, chất xơ, ít chất béo, tinh bột,  giải pháp quan trọng nhất là thay đổi lối sống, hành vi, tăng cường hoạt động thể lực (ít nhất 60 phút mỗi ngày). Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.

Còn để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng cần chú trọng nhất vào 1.000 "ngày vàng" của trẻ, tính từ lúc là bào thai trong bụng mẹ đến khi tròn 2 tuổi. Đây là thời gian trẻ cần dinh dưỡng đầy đủ để đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh. 

"Hoạt động truyền thông giáo dục và phòng chống suy dinh dưỡng ở vùng nông thôn và thừa cân béo phì tại thành thị cần được đẩy mạnh nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc cho học sinh. Gia đình, nhà trường và các ban ngành cần tạo điều kiện cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hàng ngày cho trẻ", bác sĩ Trần Khánh Vân
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem