Dân Việt

Trong 5 năm, chưa một kẻ đứng sau các tấn hàng buôn bán động vật hoang dã bị bắt

Mỹ Quỳnh 10/05/2022 16:55 GMT+7
Từ năm 2018 đến nay, chưa có bất cứ đối tượng nào đứng sau các kiện hàng buôn động vật hoang dã "khủng" tại cảng biển bị đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 10/5, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức Tọa đàm về chủ đề "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức" tại TP.HCM.

10 hành động cấp bách

Theo ENV, TP.HCM là một trong những địa phương ghi nhận tình trạng vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) lớn nhất trên cả nước. 

Đây là nơi có vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển và cảng hàng không quốc tế lớn nên thường xuyên bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển trái phép ĐVHD từ các quốc gia khác về Việt Nam.

Trong suốt 5 năm, chưa một kẻ đứng sau các tấn hàng buôn bán động vật hoang dã bị bắt - Ảnh 1.

Hàng chục tấn Ngà voi, sừng tê giá, vảy tê tê... được phát hiện mỗi năm. Ảnh: ENV

Tuy nhiên, dù công tác xử lý tội phạm về ĐVHD trên địa bàn đã và đang được tăng cường qua các năm nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như kì vọng. Từ đó đặt ra yêu cầu phải quan tâm, đầu tư hơn nữa các nguồn lực để có thể xử lý triệt để tình trạng vi phạm về ĐVHD trên địa bàn thành phố cũng như ngăn chặn các mạng lưới tội phạm tiếp tục vận chuyển ĐVHD trái phép qua đây.

Theo đó, ENV đưa ra 10 đề xuất cần hành động cấp bách để ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam. Trong đó bao gồm: Nghiêm trị các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép; Tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại; Xóa bỏ nạn tham nhũng (cấp giấy phép thành lập cơ sở nuôi thương mại ĐVHD để làm vỏ bọc hợp pháp các hoạt động nhập lậu ĐVHD, lót tay tại các cửa hải quan, chạy tiền để giảm án...); Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi, nhốt gấu ở Việt Nam; Nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD; Quy định và quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại; Giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai do thói quen tiêu thụ và buôn bán ĐVHD; Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về ĐVHD; Nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm ĐVHD trên Internet.

Trong suốt 5 năm, chưa một kẻ đứng sau các tấn hàng buôn bán động vật hoang dã bị bắt - Ảnh 2.

Các cá thể rái cá bị bắt để mang bán tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh: V.L

Thống kê của ENV cho thấy, trong 5 năm qua, có 9.239 vụ vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam, bao gồm gần 25.000 các vi phạm đơn lẻ, từ các vi phạm ít nghiêm trọng như nuôi nhốt ĐVHD làm thú cưng hoặc quảng cáo các sản phẩm làm từ ngà voi trên Internet, đến các vụ bắt giữ với số lượng lớn sừng tê giác, vảy tê tê, hổ và các loài ĐVHD hoặc sản phẩm của chúng có giá trị cao khác.

Hiện nay, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có nhiều biện pháp cứng rắn đối với các tội phạm về ĐVHD. Thay vì mức cao nhất là phạt 500 triệu đồng và 7 năm tù, luật mới quy định mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ và phạt tù tối đa là 15 năm... Nhưng rất nhiều kẻ vì lợi nhuận vẫn bất chấp.

Ở nước ta, mức án liên quan đến ĐVHD cao nhất là 14 năm tù. Đây là bản án dành cho đối tượng Đỗ Minh Toản với việc vận chuyển trái phép 55 khúc sừng tê giác nặng 126,5kg nhập lậu từ Dubai về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.

Dấu hỏi lớn với những kẻ đứng sau kiện hàng khủng

Tại TP.HCM, từ năm 2018 đến cuối tháng 3/2022, chỉ có 16 vụ án được đưa ra xét xử, trong đó có 10 vụ án có đối tượng nhận án tù giam và mức án tù đã tuyên là 486 tháng.

ENV cho biết, từ năm 2018 đến nay có 42.369 kg vảy tê giác và 15.785 kg ngà voi được phát hiện ở các cảng biển. 

Trong đó, tháng 10/2021, cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu 56,3kg xương hổ, 17kg xương sư tử, 0,5kg móng gấu, 505kg cá ngựa khô, 6,5kg nanh gấu cùng nhiều sản phẩm từ ĐVHD khác tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Vào ngày 11/01/2022, phát hiện 456kg ngà voi và 6,2 tấn vảy tê tê nhập lậu từ Nigeria bị phát hiện tại cảng Tiên Sa, TP. Đà Nẵng.

Trong suốt 5 năm, chưa một kẻ đứng sau các tấn hàng buôn bán động vật hoang dã bị bắt - Ảnh 3.

Nhiều đối tượng vận chuyển, mua bán, tàng trữ động vật hoang dã bị bắt nhưng những kẻ cầm đầu, đứng sau thì vẫn còn là dấu chấm hỏi. Ảnh: ENV

Tuy nhiên, điều đáng nói là không có bất cứ đối tượng nào đứng sau các vụ bắt giữ số lượng hàng ĐVHD "khủng" tại cảng biển từ năm 2018 đến nay bị đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Một công hàng để về được Việt Nam phải qua rất nhiều khâu, không thể tự nhiên nó về được. Thế nhưng, không có bất cứ một đối tượng nào đứng sau các lô hàng này từng được đưa ra xét xử. Đây là một vấn đề lớn mà cơ quan chức năng cần lưu ý, thêm nỗ lực để điều tra cả trong nước và quốc tế để xử lý" - đại diện EVN nhấn mạnh.

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV cho biết, ngoài việc tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động mang tính chiến lược là phối hợp với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, khắc phục lỗ hổng pháp luật và khuyến khích thực thi hiệu quả các chính sách bảo vệ động vật hoang dã; Tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật thông qua việc trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm về động vật hoang dã; Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã thông qua các chiến dịch dài hạn, bền vững nhằm tác động tới nhận thức và hành động của cộng đồng cũng như khuyến khích người dân tham gia bảo vệ động vật hoang dã bằng cách thông báo các vi phạm có liên quan.

Đối với khách hàng, những người tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD, bà Dung cho biết, hiện ENV đang nỗ lực truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân không tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Nhận thức của người dân là rất quan trọng nhưng hiện nay có nhiều người chưa ý thức được điều này.

Trong quá trình lấy ý kiến người dân ở Buôn Ma Thuột, khi lấy ý kiến hàng trăm người dân về việc tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD như trang sức có gắn nanh, vuốt, vòng tay, nhẫn… làm bằng ngà voi, đa số họ không cảm thấy có vấn đề gì to tát. Theo họ, các sản phẩm này là từ voi ở châu Phi chứ không phải voi ở Đắk Lắk. Điều này đồng nghĩa với việc họ không nhận thức được việc sử dụng những sản phẩm từ ngà voi là gián tiếp giết hại voi ở Châu Phi.

"Nhận thức là hoạt động không thể thiếu, tuy nhiên định hướng của ENV cần thực hiện những việc cấp thiết, mạnh mẽ hơn đó là thực thi pháp luật. Chúng ta cần có thể chế chính sách để áp dụng điều đó", bà Dung nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, trong thời gian tới, ENV sẽ ra một bộ phim và phát sóng để nói về các vấn đề liên quan đến những người tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD, như việc người dân vào nhà hàng ăn các món "đặc sản" từ ĐVHD, mua các sản phẩm từ ĐVHD như nanh cọp, ngà voi, vảy tê tê… 

ENV cũng hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ có chính sách phù hợp, áp dụng biện pháp chế tài đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.