Cách đây 19 năm, Phạm Văn Mách đã là một tên tuổi của làng thể hình nước nhà. Sau này, khi đã trở thành nhà vô địch thế giới, tiếng tăm của Mách càng vang xa, không chỉ ở tầm khu vực mà khắp thế giới. Nhưng việc được tham dự và giành huy chương vàng hạng 60kg tại SEA Games 22 trong lần đầu tiên Việt Nam là chủ nhà của Đại hội (khi ấy Mách 27 tuổi) là sự kiện đặc biệt nhất trong đời VĐV của anh. Ở tuổi 46, khi đã là "anh cả" của đội tuyển quốc gia, lực sĩ kỳ cựu đang rất quyết tâm sẽ thêm một lần giành tấm huy chương vàng SEA Games 31!
Tại SEA Games 22, Tiến Minh khi ấy mới tròn 20 tuổi, chưa phải là tay vợt dày dạn bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc như bây giờ. Chính vì vậy, khi đụng phải Boonsak Poonsana - tay vợt số 1 của Thái Lan ở thời điểm ấy, dù rất cố gắng, Minh vẫn gác vợt 0-2 khá chóng vánh ở vòng 1/8. Quyết tâm vươn lên đã giúp Tiến Minh sau đó tiến bộ không ngừng, góp mặt trong tốp các tay vợt hàng đầu của khu vực, thậm chí còn nêu kỷ lục là vận động viên nhiều tuổi nhất tại Olympic Tokyo. Sau khi giành 4 HCĐ SEA Games trong sự nghiệp, ở tuổi 39, "lão tướng" của chúng ta kỳ vọng sẽ giành được 1 tấm huy chương SEA Games nữa trước khi nhường lại sân chơi cho lứa trẻ.
Năm nay 35 tuổi (sinh 1987), Hoàng Thị Bảo Trâm chính là "chị đại" của đội tuyển cờ vua Việt Nam tham dự SEA Games 31 này. Nhưng cách đây 19 năm, Trâm lại là kỳ thủ ít tuổi nhất của đội tuyển khi SEA Games diễn ra tại sân nhà. Mặc dù mới 16 tuổi, nhưng Trâm đã thi đấu rất bản lĩnh, qua mặt hàng loạt đối thủ mạnh để giành được tấm huy chương vàng cá nhân cờ nhanh đầy ấn tượng.
Không quá lời khi nói đây là đội tuyển đặc biệt nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam khi có tới 6 xạ thủ từng góp mặt tại SEA Games 22 (đều giành huy chương vàng).
Tại phân đội súng ngắn, Trần Quốc Cường (sinh 1974) là người đồng đội nhiều năm sát cánh, cùng tuổi với "người hùng Olympic" Hoàng Xuân Vinh (mới chuyển sang công tác huấn luyện). Ở tuổi 48, Cường nằm trong số những VĐV kỳ cựu nhất không chỉ của đội tuyển bắn súng mà cả đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31. Tại SEA Games 22 năm 2003, đội tuyển bắn súng VN lập kỷ lục giành 25 tấm HCV, đóng góp nhiều nhất vào bảng thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam khi ấy (xếp nhất toàn đoàn). Trong đó, Trần Quốc Cường sát cánh cùng đồng đội Hoàng Xuân Vinh và các đàn anh Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Cao Sơn thi đấu các nội dung súng ngắn hơi. Ở tuổi 29, Cường góp công vào 2 tấm HCV đồng đội súng ngắn hơi và súng ngắn tự do 50m. Theo huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung, đây có thể chính là kỳ SEA Games cuối cùng của Cường trước khi anh chuyển sang công tác huấn luyện.
Nếu như Quốc Cường là "anh cả" của các xạ thủ nam thì Phạm Thị Hà là chị cả trong số xạ thủ nữ. Tuy không nổi tiếng như các đồng nghiệp khác, nhưng Hà là vận động viên súng ngắn kỳ cựu lứa 7x tham dự nhiều kỳ SEA Games và có nhiều đóng góp cho bắn súng nước nhà. Tại SEA Games 22, tay súng đến từ Hải Dương này giành được huy chương vàng cá nhân nội dung súng ngắn thể thao 25m và huy chương vàng đồng đội nữ.
Ở nội dung súng trường, từ lâu đã nổi danh 2 tay súng xinh đẹp Đặng Hồng Hà và Nguyễn Thị Lệ Quyên. Tại SEA Games năm ấy, Hà và Quyên cùng đồng đội Cù Thanh Tú đem về huy chương vàng đồng đội nữ súng trường di động hỗn hợp. Đặng Hồng Hà được biết đến bởi sự năng động, đa tài. Trong khi Lệ Quyên chính là "phu nhân" của huấn luyện viên bóng đá Trương Việt Hoàng (Viettel).
Nội dung bắn đĩa bay cũng có một xạ thủ không kém phần xinh đẹp là Hoàng Thị Tuất. Cách đây 19 năm, cô mới 21 tuổi nhưng đã là tay súng chủ lực, góp công vào tấm huy chương vàng nội dung Trap đồng đội nữ. Ngoài ra còn phải kể tới tay súng nam kỳ cựu Lê Nghĩa, người đã giành huy chương vàng cá nhân tại SEA Games 22 ở mới ngoài 20 tuổi. Tới nay, Nghĩa vẫn là một trong những niềm hy vọng vàng của đội tuyển bắn súng Việt Nam tại đấu trường SEA Games.