Điển hình như trường hợp của anh Đặng Văn Tài (xã Bình Hưng). Từ đồng vốn vay lãi suất ưu đãi, anh Tài đã trồng hoa lan và vươn lên khá giả.
Anh Tài cho biết, trước đây, kinh tế gia đình anh rất khó khăn. Được địa phương giới thiệu, Hội Nông dân TP.HCM tạo điều kiện cho anh Tài vay 1 tỷ đồng để đầu tư nhà vườn, mua lan giống về trồng.
Hiện, trại lan dendro của anh Tài là một trong những mô hình sản xuất thành công của địa phương. Sản phẩm lan dendro nắng của anh được thị trường rất ưa chuộng. Vào dịp lễ, tết hoa lan của anh Tài hầu như được thương lái đặt hàng trước. Mỗi chậu lan denro nắng có giá 20-30 triệu đồng.
Chỉ tính riêng dịp tết, anh Tài có doanh thu khoảng 300 triệu đồng từ việc bán lan. Nhờ kinh doanh hiệu quả từ nghề trồng lan gia đình anh Tài đã thoát nghèo vươn lên khá giả. "Nhờ đồng vốn vay lãi suất ưu đãi mà gia đình tôi mới có cuộc sống sung túc như hiện nay"- anh Tài xúc động.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết,trong 10 năm Bình Chánh xây dựng NTM, thành phố đã quan tâm đầu tư 709 công trình giao thông nông thôn, 269 công trình thủy lợi, đầu tư sửa chữa và đưa vào sử dụng 85 điểm trường, 137 cơ sở vật chất văn hóa…
Gia đình bà Thái Thị Thảo (xã Tân Nhựt) lâu nay sản xuất lúa với 2 công đất. Tuy nhiên, do năng suất lúa thấp, giá cả bấp bênh nên gia đình bà luôn khó khăn, vất vả.
Được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng, bà Thảo cải tạo 2 công đất, chuyển sang sản xuất theo phương thức V-A-C Ngoài việc đào ao nuôi cá, nuôi lợn, bà Thảo còn trồng dừa. Nhờ chí thú làm nông, đời sống gia đình bà Thảo dần cải thiện. Chỉ riêng việc bán trái dừa, mỗi năm bà Thảo có thu nhập 50-70 triệu đồng.
"Giờ gia đình tôi không còn chạy ăn từng ngày. Con cái được đi học đầy đủ"- bà Thảo chia sẻ.
Theo UBND huyện Bình Chánh, năm 2010, huyện Bình Chánh khởi động xây dựng NTM với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 17 triệu đồng. Sau 10 năm xây dựng NTM, hiện mức thu nhập này là 70 triệu đồng/người/năm.
Mới đây, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Bình Chánh đạt chuẩn NTM năm 2020. Đây là huyện cuối cùng trong số 5 huyện của thành phố về đích NTM.
Theo Bí thư Đảng ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam, xuất phát điểm làm NTM của huyện Bình Chánh rất thấp. Thế nhưng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, qua 10 năm làm NTM diện mạo Bình Chánh đã thay đổi rõ rệt. Hiện tốc độ phát triển kinh tế, xã hội ở Bình Chánh đang diễn biến khá nhanh.
Trong sản xuất nông nghiệp nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nhanh, như: Mô hình trồng mai vàng, bưởi da xanh, nuôi cá cảnh… Điều này, giúp đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Võ Văn Hoan đã đánh giá cao những thành quả 10 năm xây dựng NTM của huyện Bình Chánh và đề nghị huyện tiếp tục tiến lên hoàn thành NTM nâng cao, kiểu mẫu. "Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, Bình Chánh có ít nhất 50 xã NTM kiểu mẫu, đạt chuẩn NTM nâng cao, góp phần đưa thành phố hoàn thành nhiệm vụ NTM giai đoạn 2021-2025" - ông Hoan chỉ đạo.