Trận mưa lũ bất thường xảy ra tại địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tuy không thiệt hại về người nhưng đã khiến hàng trăm hecta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, mất trắng. Nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng và đồ đạc của người dân không kịp di chuyển đến nơi an toàn đã bị hư hỏng.
Lũ quét đổ về bất ngờ như "nước rót vào cốc"
Vừa ngồi nghỉ sau cả ngày tất bật dọn dẹp nhà cửa, nhặt nhạnh vật dụng bị mưa lũ cuốn trôi, làm hư hỏng, ông Lý Văn Bậu, thôn Cầu Chét, xã Phi Điền, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa hết bàng hoàng.
"Bình thường vẫn có lũ nhưng chưa ngập vào nhà. Đợt này lũ dâng cao và đến nhanh lắm, chỉ trong vòng 15 phút là ngập vào nhà hết - kiểu như rót nước xuống cốc" - ông Bậu nói và cho biết những cây vải thiều trồng trong vườn nhà, nước ngập đến đâu là hỏng đến đấy.
Theo ông Bậu, gia đình ông đang nuôi khoảng 800 đàn ong. Mưa lũ bất ngờ ập về đã cuốn trôi hàng trăm can đựng mật ong, khung cầu ong mật... và làm hư hỏng nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
"Chỉ tính riêng 11 bao đường, mấy tạ phấn hoa bị ngập nước gia đình tôi đã thiệt hại vài chục triệu đồng" - ông Bàu nói. Tủ quần áo, tủ lạnh cũng bị ngập chìm trong nước, giờ không dám sử dụng.
Trên con đường dẫn vào nhà ông Vi Văn Sâm ở thôn Cầu Sài, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, trận lũ quét bất ngờ dâng cao vẫn lưu vết trên vườn cây ăn trái. Những ruộng ngô, vườn nhãn, vải, bưởi bị ngập, thậm chí phủ kín bùn đen toàn bộ cây trái.
Ông Sâm cho biết, vườn nhà ông có diện tích 1,3 mẫu, trồng 40 cây nhãn, 30 cây vải thiều và khoảng 100 cây bưởi. Lũ quét về khiến gần như toàn bộ diện tích trồng nhãn của gia đình ông bị ngập chìm trong nước khoảng 6 giờ. Khi nước rút, bùn đun phủ kín hết cả cây trái, khả năng sẽ bị rụng hết quả.
Diện tích trồng bưởi, vải thiều cũng bị ảnh hưởng nặng khi ngập sâu trong nước, chưa đánh giá được mức độ thiệt hại. Tuy vậy, do trái bưởi còn nhỏ nên có khả năng phục hồi cao hơn. "Như năm 2008, lũ đổ về vào thời điểm tháng 8 khi bưởi gần đến vụ thu hoạch, nước rút đi là bưởi bị rụng hết quả" - ông Sâm nói.
Theo ông Sâm, khu vườn trồng nhãn, vải thiều, bưởi của gia đình năm thu hoạch cao nhất được khoảng 150 triệu đồng, nhưng khả năng năm nay sẽ bị mất mùa vì mưa lũ.
"Lũ chưa có tiền lệ" gây thiệt hại nặng về cơ sở vật chất, hoa màu
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong ngày 11/5, trên địa bàn huyện Lục Ngạn thời tiết không mưa, nước lũ đã rút cạn, giao thông đi lại thuận lợi.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Văn Phương, Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, đợt lũ này xảy ra bất chợt, chưa có tiền lệ bao giờ. Nguyên nhân do mưa lớn, tập trung trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chuyển về, trong khi lượng mưa ở Lục Ngạn ghi nhận không đáng kể.
Mưa lũ về bất chợt, nhưng không có người chết, mất tích hay bị thương. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các lực lượng chức năng đã di dời 168 hộ (xã Cấm Sơn, xã Sa Lý, xã Hộ Đáp, Phong Vân, Kim Sơn, Phì Điền, Đồng Cốc) khỏi nơi ngập lụt.
Tuy nhiên, thiệt hại về cơ sở vật chất tương đối lớn. Đơn cử, khoảng 200 bộ bàn, 500 bộ sách vở có thể bị hỏng, đổ tường bao các trường học khoảng 715m, ngoài ra còn nhiều vật dụng, đồ dùng khác... Ước thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Ngạn, trong ngày một số trường khắc phục mưa lũ, tạm thời cho học sinh nghỉ, ngày mai trở lại học tập bình thường. Với các trường THCS như: Phú Nhuận, Tân Sơn, Sa Lý, Cấm Sơn... một số học sinh không thể đến trường do bị chia cắt.
Về sản xuất nông nghiệp, ước tính có khoảng 300 ha cây ăn quả, lúa, hoa màu bị thiệt hại, thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, tính đến 11 giờ ngày 11/5 mưa lũ gây tổng thiệt hại khoảng 34 tỷ đồng.
Trong ngày, lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo khoảng 2.500 người, gồm: công an, quân đội, lực lượng xung kích phối hợp với quần chúng nhân dân dọn dẹp, khơi thông dòng chảy giúp ba con để sớm ổn định lại cuộc sống sau mưa lũ.
Trước đó, ngày 10/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.
Qua trận mưa lũ này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Lục Ngạn cần xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết đối với các khu vực xung yếu, nguy cơ cao khi mùa mưa lũ đến để chủ động, kịp thời phản ứng khi có tình huống bất ngờ.