Theo Bộ Tài chính, hiện nay xăng dầu đang phải chịu 3 khoản thuế phí gồm Thuế tiêu thụ đặc biệt từ 8 - 10% (tuỳ loại xăng, trong đó xăng sinh học E5 là 8%, xăng khoáng Ron 95 là 10%), Thuế giá trị gia tăng VAT 10%, Thuế nhập khẩu 10%, chi phí định mức, kinh doanh khoảng 8%; ngoài ra còn có thuế bảo vệ môi trường khoảng 2.000 đồng/lít xăng dầu (đã được giảm 50%) bắt đầu từ tháng 4.
Tỷ trọng thuế phí/xăng dầu chiếm từ 33,5%, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt được xem là loại thuế gián thu, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp hộ người tiêu dùng cuối cùng.
Loại Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu tương đương với cơ chế đánh thuế vào rượu bia, thuốc lá, xe ô tô… nhằm điều hướng thị trường, hạn chế tiêu dùng.
Bộ Tài chính cho biết việc đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt là thẩm quyền của Quốc hội, chính vì vậy, muốn thay đổi phải được cơ quan này quyết định. Theo quy định, Quốc hội có thể xem xét việc điều chỉnh Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu vấn đề này nằm trong lịch làm việc của Quốc hội, thông thường 6 tháng/lần.
Về thông lệ quốc tế, theo Bộ Tài chính hiện nhiều nước cũng đang đánh thuế, hoặc tiền mặt trên mỗi lít xăng dầu, trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc… Tại ASEAN, Thái Lan áp thuế 6,50 baht/lít với xăng khoáng, 5,85 baht/lít với xăng 95E10; Campuchia áp thuế suất 25%, Singapore thu 0,41 SGD/lít; Lào thu cao nhất 39%.
Về bản chất, thu thuế xăng dầu đang có tỷ trọng khá lớn trong số thu ngân sách, để thay đổi cần được Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo quan điểm của một chuyên gia, việc giảm hoặc bỏ Thuế tiêu thụ đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế và đòi hỏi khách quan là cần thiết, thậm chí có thể có tác động lan toả nhiều hơn so với thu thuế hiện nay. Tuy nhiên, khi bộ máy chưa muốn thay đổi, nguồn thu từ thuế này vẫn chiếm trọng số lớn trong thu ngân sách thì cần sự dũng cảm lắm mới thay đổi được.
"Trước đây, chúng ta từng quá cân nhắc việc bỏ Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tủ lạnh, điều hoà… nhưng sau khi bỏ thuế, chúng ta vẫn có nguồn thu khác bổ sung. Nay hãy nên mạnh dạn bỏ đối với xăng dầu, đặc biệt là xăng sinh học E5, tương lai là E10… hay ô tô xanh để kích thích chuyển đổi nền kinh tế. Không nên coi thu dễ cho ngân sách để làm hài lòng về chính sách thu được", vị chuyên gia kinh tế nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Cần phải loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong xăng dầu bởi vì chúng ta coi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của các ngành, lĩnh vực nhưng tại sao lại tính thuế này? Xăng dầu không phải mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá nên việc điều hướng, hạn chế tiêu dùng là bất hợp lý.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu trước đây là để hạn chế nhập khẩu, thâm hụt cán cân thương mại khi nền kinh tế còn nhỏ; thứ hai đánh thếu này là để bảo vệ môi trường, hạn chế phương tiện, máy móc, phương tiện sử dụng xăng dầu quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy chuyển đổi.
Bà Lan phân tích: Cả hai căn cứ đánh thuế này chúng ta đều có lời giải. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 2-3 ASEAN, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt gần 670 tỷ USD/năm (2021), quy mô nền kinh tế lớn thì phải có cơ chế mở cho các ngành hàng, lĩnh vực then chốt và việc bỏ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là điều nên làm.
Thứ hai về môi trường, đồng tình việc sử dụng nhiều xăng dầu gây ô nhiễm môi trường, nhưng các nước thay vì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao họ chuyển sang đánh thuế môi trường, đánh thuế phương tiện, máy móc sử dụng nhiều nguyên liệu. Việt Nam cũng đã đánh thuế môi trường.
"Vai trò của Thuế tiêu thụ đặc biệt để điều hướng tiêu dùng, chuyển đổi công nghệ nhưng thử hỏi sau hàng chục năm đã có thống kê, nguyên cứu nào về hiệu quả của chính sách này hay chưa để có những điều chỉnh cho phù hợp? Không ai muốn bỏ dùng nhiều xăng dầu nhiều để phải trả nhiều tiền, chịu chi phí cao lên hàng hoá cả. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta nghĩ khác, làm khác", bà Lan nói.
Ngoài vấn đề về thuế phí tác động mạnh đến mỗi lít xăng dầu, lưu trữ xăng dầu của Nhà nước, dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đang là vấn đề tác động lớn đến giá và cung cầu thị trường.
Mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiết lộ, hiện cơ chế dự trữ xăng dầu, hệ thống dự trữ quốc gia chưa có kho riêng nên đều giao cho doanh nghiệp, đây là vấn đề bất hợp lý. Ông Diên còn nói: Thời gian lưu trữ xăng dầu của doanh nghiệp hiện chỉ từ 5-7 ngày.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, việc lưu trữ xăng dầu chỉ 5-7 ngày là quá ít so với thông lệ quốc tế, việc lưu trữ tốt mới đảm bảo cho nền kinh tế ổn định và không bị tác động xấu trước những diễn biến khó lường của giá dầu thế giới hiện nay.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đầu mối lưu trữ xăng dầu thực tế rất ít bởi hoạt động của họ theo quy luật thị trường, hiệu quả hạch toán. Họ nhập theo giá thế giới, kỳ hạn, đơn hàng nên có thể gia tăng nhập trong thời gian xăng dầu xu hướng đi xuống và đẩy hàng ra khi giá bán lẻ tăng. Về nguyên tắc doanh nghiệp dự trữ xăng dầu, song khá ít thường sẽ bán mạnh khi giá xăng dầu tăng.