Sở GDĐT TP.HCM vừa có văn bản về góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo trên địa bàn.
Theo dự thảo này, Sở GD-ĐT dự kiến tăng học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (trừ cấp tiểu học vẫn được miễn học phí).
Cái gì cũng tăng
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Trương Văn Quý (38 tuổi, quận 12) cho biết, gia đình anh có 2 con, đứa học lớp 7, đứa học lớp 1.
Anh Quý hiện là "thợ đụng", đụng gì làm đó, nay thì phụ hồ, mai lại bốc vác. Vợ anh làm công nhân, mới đi làm lại được vài tháng do doanh nghiệp tạm ngưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lương của hai vợ chồng mỗi tháng dao động khoảng 11-13 triệu đồng nên trang trải cuộc sống thường nhật lẫn chuyện học hành của hai con khá chật vật.
Khi nghe thông tin học phí năm học mới có khả năng sẽ tăng, anh Quý cho biết rất lo lắng, trăn trở. Theo anh, mức học phí dự kiến trong năm tới có thể bình thường với nhiều người, nhưng với tầng lớp lao động nghèo như gia đình anh thì đây cả là một vấn đề.
"Bây giờ tất cả mọi thứ đều đang thi nhau tăng giá. Từ xăng dầu, thực phẩm, dịch vụ, học phí, sách giáo khoa... cái gì cũng tăng nên áp lực cho các gia đình có thu nhập thấp rất lớn.
Mỗi tháng, ngoài phải chi trả khoảng 4 triệu tiền thuê nhà, điện nước thì tiền ăn uống, thuốc men, xăng xe... tiết kiệm lắm cũng rơi vào 5 - 6 triệu đồng.
Về chi phí học cho con, đứa học lớp 1 được miễn học phí nhưng hàng tháng vẫn phải đóng các khoản tiền như học kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, nước uống... và phí bán trú ngoài (1,8 triệu đồng/tháng).
Chưa kể đầu năm học, các khoản như bảo hiểm, đồng phục, mua sách vở, cặp, đóng tiền đầu năm như in tài liệu, sổ liên lạc... cũng ngốn vài triệu đồng" - anh Quý nói.
Cũng theo anh Quý, ngoài các chi phí gần như trên thì bé lớp 7 còn có thêm khoản học phí. Như vậy, tính sơ sơ, mỗi tháng chi phí học hành cho con cũng hơn 4 triệu cho 2 đứa. Dự kiến năm tới, cấp THCS tăng thêm 240.000 đồng mỗi tháng thì gánh nặng sẽ càng nặng thêm.
"Thường ngày đã tằn tiện lắm mới đủ tiền để trang trải nên có tăng thêm dù 100 ngàn hay 200 ngàn mỗi tháng cũng rất áp lực. Chưa kể, đâu phải lúc nào cũng có sức khỏe để làm. Nghề lao động chân tay, sáng nắng chiều mưa đau ốm liên tục, có khi không dám mua thuốc uống..." - anh Quý than thở.
Cùng hoàn cảnh như anh Quý, chị Ngọc Dung (ấp Nam Lân, huyện Hóc Môn) liên tục thở dài khi hỏi đến chuyện học phí dự kiến tăng. Chị cho biết, dù ở thành phố lớn bậc nhất cả nước, nhưng không phải ai cũng có điều kiện nuôi con ăn học. Xung quanh khu vực chị sinh sống, rất nhiều học sinh phải nghỉ nửa chừng vì phụ huynh không kham nổi học phí, chi phí.
"Học phí tăng thì chúng tôi phải nghĩ cách tăng thời gian lao động để có thêm tiền trang trải, lo cho con. Chẳng ai muốn con cái thất học, không nghề nghiệp rồi vất vả như bố mẹ của chúng cả. Nhưng vật giá leo thang, cái gì cũng đua nhau tăng, trong khi đó tiền công, tiền lương thì cứ đứng yên tại chỗ khiến người lao động chật vật, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Mong sao chính quyền cân nhắc, có chế độ hỗ trợ cho những người lao động để con cái của họ được đến trường, được học hành tới nơi tới chốn" - chị Dung cho biết.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, việc đề xuất tăng học phí giữa lúc dịch bệnh là vấn đề hết sức nhạy cảm. Tuy nhiên, khung học phí năm học 2022 – 2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hiện tại quy định mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 ngàn đồng/học sinh/tháng đối với tất cả các bậc học.
Đồng thời mức học phí dự kiến hạn chế thấp nhất mức chênh lệch tăng tuyệt đối so với mức thu của năm học 2021–2022.
Đồng thời, khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học, việc thu học phí góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, khuyến khích và luôn tạo điều kiện cho học sinh thuộc các diện chính sách có điều kiện được đi học.
Theo vị lãnh đạo này, ngân sách chi thường xuyên hàng năm cho giáo dục khoảng 20%, nhưng chỉ đủ đảm bảo cơ bản về chế độ cho đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và chi cho hoạt động chuyên môn... Dù vậy, tất cả các khoản này hiện rất khiêm tốn. Muốn đổi mới, phát triển, hội nhập thì phải có thêm nguồn từ học phí để giải quyết.
Song song với việc điều chỉnh tăng học phí, Sở GD-ĐT cũng xây dựng cơ chế, chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí cho các học sinh khó khăn, học sinh hộ nghèo, học sinh thuộc diện chính sách để đảm bảo các em được đến trường, học tập đầy đủ.
Theo dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí, bậc THCS dự kiến có mức học phí tăng mạnh nhất, gấp 5 lần so với năm ngoái.
Cụ thể, đối với các trường THCS thuộc nhóm 1 (học sinh học tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân), học phí tăng 240.000 đồng/học sinh/tháng;
Các trường THCS nhóm 2 (các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ), học phí tăng thêm 70.000 đồng/học sinh/tháng.
Bậc mầm non nhóm 1, khối nhà trẻ tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng; khối mẫu giáo tăng 140.000 đồng/học sinh/tháng; nhóm 2 giữ nguyên học phí.
Bậc THPT, GDTX THPT nhóm 1 sẽ tăng 180.000 đồng, nhóm 2 tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng.