Dân Việt

Học phí đại học tăng mạnh: Có thể tác động tiêu cực đến người học

Ngọc Linh 16/05/2022 20:05 GMT+7
Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026, nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí các hệ đào tạo, nhiều trường tăng đến 20-30%.

Hiện nhiều trường đại học dự kiến sẽ tăng học phí trong những năm học tới. Cụ thể như Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm học 2022-2023, dự kiến thu học phí 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng.

Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường đã tăng thêm 24%.

Trong khi đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí của chương trình đào tạo chuẩn dao động 22 - 28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH dao động 40 - 45 triệu đồng/năm.

Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin Việt - Pháp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí dao động 50 - 60 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động 45 - 50 triệu đồng/năm.

Học phí đại học tăng mạnh: Có thể tác động tiêu cực đến người học - Ảnh 1.

Việc tăng học phí sẽ tác động tiêu cực đến người học, đặc biệt là đối tượng sinh viên trong gia đình có thu nhập hạn chế.

Tương tự, hệ đại trà của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ... Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường khác dự kiến sẽ tăng học phí trong các năm học tới.

Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, trong năm học 2022-2023 tới đây trường vẫn phải điều chỉnh tăng học phí vì có tăng mới có cơ hội tăng định mức đào tạo- điều kiện để tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể là bao nhiêu cũng phải tùy tình hình kinh tế - xã hội và sức chịu đựng của người học. Đặc biệt, việc tăng học phí sẽ tác động tiêu cực đến người học, đặc biệt là đối tượng sinh viên trong gia đình có thu nhập hạn chế.

TS Lê Trường Tùng, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục nhiệm kỳ 2022-2026, cho rằng tổng định mức đào tạo cho một sinh viên thường từ 3 nguồn: Chi phí hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn tài trợ; học phí; vay tín dụng. Chiến lược phát triển hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam dựa chủ yếu vào học phí của người học là không ổn.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Thị Cành (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM): Tăng học phí phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo và các trường phải có lộ trình tăng đi kèm với trách nhiệm công bố giải trình các khoản tăng và đảm bảo chất lượng đầu ra. Tăng cho con người, đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ - vậy đội ngũ giảng viên được đảm bảo về tiêu chuẩn ra sao? Cán bộ phục vụ làm việc như thế nào? Mỗi năm các trường đều có đánh giá từ người học về chất lượng đội ngũ, về chương trình đào tạo, về ý kiến nơi sử dụng sinh viên ra trường... Những thông tin này phải được minh bạch và công bố công khai.

Thông tin về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, từ năm học 2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.

Theo đó, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).

Theo cách tính mới này, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 3 - 10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 20,2 triệu đồng/năm. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ.

Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với học phí đại học.