Dân Việt

NÓNG chiến sự Ukraine: Đồng minh của ông Putin tuyên bố sẽ ngăn thế chiến 3 nổ ra

Minh Nhật (theo Reuters/Pravda/DW) 18/05/2022 15:43 GMT+7
Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - người được mệnh danh là "cánh tay phải" của Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng Liên bang Nga sẽ không để Chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra.

"Cánh tay phải" của Tổng thống Putin: Nga sẽ ngăn Chiến tranh thế giới thứ ba

NÓNG chiến sự Ukraine: 'Cánh tay' phải của ông Putin tuyên bố sẽ ngăn thế chiến 3 nổ ra - Ảnh 1.

Dmitry Medvedev (ngoài cùng bên trái) được xem là cánh tay phải của Tổng thống Nga Putin (ngoài cùng bên phải). Ảnh IT

Ông Medvedev - cựu Tổng thống Nga đã tuyên bố như vậy sau khi thăm Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga ở Sarov ngày 17/5 mới đây, theo Pravda.

"Lịch sử của Trung tâm Hạt nhân ở Sarov mãi mãi gắn liền với tên tuổi của những người đã tạo ra lá chắn hạt nhân của đất nước chúng ta. Kho vũ khí hiện đại, đáng tin cậy, hiệu quả đã hạ nhiệt tham vọng của những người sẵn sàng khởi động Chiến tranh thế giới thứ 3 bằng bàn tay của họ và của người khác. Chúng tôi sẽ không để tình trạng như vậy xảy ra.

"Nhưng chúng tôi phải liên tục nhắc nhở họ rằng, chúng tôi có thể đưa ra phản ứng tức thời và mạnh mẽ đối với một cuộc tấn công vào đất nước của chúng tôi. Chúng tôi có thể đẩy lùi bất kỳ hành động xâm lược nào đe dọa nhà nước của chúng tôi", ông Medvedev nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm này, ông Medvedev cũng nói rằng Nga cần tăng tốc phát triển khoa học ứng dụng nhằm đạt được các kết quả cụ thể càng nhanh càng tốt.

Trước đó, ngày 12/5, ông Medvedev cho rằng việc các nước NATO bơm vũ khí vào Ukraine đang làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Ông Medvedev cho biết Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong 4 tình huống, một trong số đó là hành động gây hấn chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga khiến sự tồn tại của đất nước gặp rủi ro. Thủ tướng Medvedev sau đó nói rằng các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây nhằm vào Nga có thể được coi là hành động gây hấn đe dọa an ninh nước ông.

Nga tố Ukraine "cứng rắn", từ bỏ đàm phán hòa bình

NÓNG chiến sự Ukraine: 'Cánh tay' phải của ông Putin tuyên bố sẽ ngăn thế chiến 3 nổ ra - Ảnh 2.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang bị đình trệ. Ảnh Tass.

Các quan chức Ukraine và Nga đã cáo buộc lẫn nhau về sự đình trệ của các cuộc đàm phán hòa bình. Theo đó, Moscow cáo buộc Ukraine có lập trường cứng rắn. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói rằng Kiev trên thực tế đã "rút khỏi tiến trình đàm phán".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cáo buộc các nước phương Tây muốn sử dụng Ukraine để làm lợi thế chiến lược của họ trước Nga. Ông nhấn mạnh rằng, không có thỏa thuận hòa bình nào có thể được thực hiện nếu các nhà đàm phán tập trung vào mối quan tâm của phương Tây hơn là tình hình trước mắt ở Ukraine.

"Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán... nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Ngoại trưởng Lavrov nói.

Về phần Ukraine, Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cáo buộc rằng các cuộc đàm phán đang "tạm dừng" vì Nga không sẵn sàng chấp nhận rằng họ "sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào".

"Nga không thể hiện sự hiểu biết về các quá trình ngày nay trên thế giới", ông Podolyak nói, theo truyền thông Ukraine.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tuyên bố rằng, cuộc chiến của nước ông với Nga bước vào giai đoạn kéo dài, vì Moscow đang cố kiểm soát hoàn toàn phía đông và nam nước này.

Theo ông Reznikov, quân đội Nga đang xây dựng các công sự ở khu vực Zaporizhzhia và Kherson nhằm "chuyển sang phòng ngự nếu cần".

"Lực lượng Nga đang dồn lực bao vây và tiêu diệt các đơn vị Ukraine ở Donetsk và Lugansk, tạo ra hành lang trên bộ từ Nga đến bán đảo Crimea, đồng thời kiểm soát miền nam Ukraine", ông Reznikov nói.

Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa" nước láng giềng. Đến nay, gần 3 tháng giao tranh đã trôi qua, các lực lượng Nga vừa giành được toàn quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol nhưng lại phải rút lui khỏi Kharkiv. Họ cũng không giành được thắng lợi nhanh chóng ở miền đông Ukraine sau khi rút khỏi thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine.