Dân Việt

Cục Chăn nuôi: Nhiều tập đoàn lớn đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thiên Ngân 19/05/2022 16:16 GMT+7
Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu hiện nay, cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Điều đáng mừng là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm, đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: "Chìa khóa" xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề "Bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Báo NTNN/Dân Việt tổ chức chiều qua, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa, Hà Nội) nêu một thực tế đáng suy nghĩ trong chăn nuôi hiện nay. 

Đó là hàng năm, chúng ta mất rất nhiều công sức cho việc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng ở nhiều địa phương, vẫn có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn dịch bệnh nằm ngay cạnh các trang trại lớn, đầu tư bài bản. Như vậy thì dù các trang trại lớn xây dựng khép kín, đảm bảo an toàn sinh học thì vẫn có nguy cơ bị lây lan dịch bệnh.

Cục Chăn nuôi: Nhiều tập đoàn lớn đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh - Ảnh 1.

Hiện cả nước có 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ảnh: I.T

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiếp cận theo chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới) là xu hướng tất yếu hiện nay. Bởi vùng an toàn dịch bệnh không chỉ đảm bảo cho thị trường trong nước, mà muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì yêu cầu đầu tiên chính là phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang đẩy mạnh việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở một số địa phương. Điều đáng mừng là thời gian qua, đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn với các tổ hợp chăn nuôi công nghệ cao ở Tây Nguyên. Các dự án này đều được đầu tư rất bài bản, xa khu dân cư, áp dụng công nghệ hiện đại của châu Âu với giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng. Hay như dự án chăn nuôi của Tập đoàn Xuân Thiện cũng có quy mô rất lớn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học.

"Hiện nay ở nhiều địa phương đang trong quá trình chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tuy nhiên, vẫn còn xen kẽ giữa hai hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại. Muốn đảm bảo an toàn dịch bệnh, theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi, chính quyền địa phương, ngành chức năng. 

Trang trại chủ động xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cơ quan chức năng khuyến cáo nông hộ tiêm phòng để hình thành vành đai an toàn" - ông Tống Xuân Chinh cho biết.

Tham dự buổi tọa đàm trực tuyến, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, để phòng chống thiệt hại cho đàn vật nuôi bởi thiên tai, quan điểm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia là "phòng tốt hơn chống". 

"Bà con chăn nuôi cần phải thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão. Việc này giúp chúng ta chủ động ứng phó, đồng thời tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh với vật nuôi" - bà Hạnh nhấn mạnh.

"Chúng ta cần truyền thông làm sao cho người dân có thói quen có trách nhiệm với đàn vật nuôi. Chúng ta không thể thành lập được vùng an toàn dịch bệnh nếu như nông dân không chủ động" - bà Hạnh khẳng định thêm.

Bà Hạnh cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã thực hiện tốt công tác tập huấn, truyền thông về phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa bão. 

"Chúng tôi rất ưu tiên thực hiện các dự án lớn về các chương trình chăn nuôi. Bình quân, mỗi năm, khuyến nông duy trì thực hiện khoảng 30 dự án ở các địa phương về xây dựng chuỗi chăn nuôi, chứng nhận an toàn thực phẩm. Cùng với việc phát các tờ rơi (có cả tiếng dân tộc), tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, toạ đàm, xây dựng dự án..., thì trên trang web của Khuyến nông Quốc gia cũng đăng tải rất đầy đủ tài liệu tập huấn cho bà con" - bà Hạnh bổ sung.

Cục Chăn nuôi: Nhiều tập đoàn lớn đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh của HTX giống gia cầm Mạnh Ngân, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: Thân Minh Sâm

Đối với Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong khi, việc triển khai vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở nước ta còn khiếm tốn. 

Tại Hà Nội, mặc dù đứng top 2 cả nước về chăn nuôi, chỉ sau tỉnh Đồng Nai, nhưng hiện mới có 4 vùng an toàn dịch bệnh dại, 38 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn. Do đó, hiện nay xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn khá hạn chế.

Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2021, Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh đã cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 316 cơ sở, vùng bao gồm: 295 cơ sở do địa phương cấp và 21 vùng, cơ sở do Cục Thú y cấp (7 huyện và 1 thành phố an toàn đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle, lở mồm long móng và dịch tả heo cổ điển). 

Lũy kế đến nay cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Riêng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam bộ đã xây dựng được 575 cơ sở chăn nuôi gia cầm và 567 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh còn hiệu lực với một hoặc nhiều bệnh trên gia súc.