Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, vài ngày qua, bệnh nhân đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trẻ bị bỏng nặng vì ngã vào lửa và rơi vào chậu nước sôi.
Trường hợp thứ nhất là bé Phùng N.H. 7 tháng tuổi (dân tộc Mông trú tại Lũng Đẩy, Quốc Toản, Quảng Hòa, Cao Bằng) bị bỏng do ngã vào lửa khi đang chơi. Cháu được chẩn đoán bị bỏng độ 2,3 diện tích khoảng 40%.
Trường hợp thứ hai là bé Lý. T. Đ 26 tháng tuổi )dân tộc Mông trú tại Táy Dưới, Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng) cũng được đưa đến nhập viện do ngã vào chậu nước sôi khiến cháu bị bỏng độ 3,4 ở vùng đầu, mặt, cổ, ngực, 2 cánh tay. Diện tích bỏng khoảng 60%.
2 trẻ bị bỏng đã được cấp cứu và chuyển lên tuyến trên vì tình trạng bỏng nặng. Theo các bác sĩ,các bé sẽ phải điều trị lâu dài với chi phí lớn.
Theo các bác sĩ bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em. Trẻ rất hiếu động, tò mò khám phá thế giới, nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm của các hành động của mình.
Bỏng không chỉ gây đau đớn, để lại di chứng về chức năng và thẩm mỹ của cơ thể mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Do đó cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải để mắt đến trẻ mọi lúc, không để trẻ lại gần các vật đang cháy hoặc đang nóng như bếp lửa, chậu nước sôi, đồ ăn nóng, bàn là nóng, đèn, nến, ổ điện...
Trước đó, bác sĩ Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình(Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng cho biết, bỏng là tổn thương cấp tính của cơ thể gây nên bởi nhiệt, hóa chất, dòng điện, bức xạ. Da trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn, nên bỏng thường nặng và sâu.
Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao, nguy cơ shock bỏng cũng cao hơn (dù diện tích bỏng không lớn 3% – 5%).
"Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bỏng cho trẻ em, trong đó có sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ. Trẻ bị bỏng chủ yếu là ở vùng cơ quan vận động (bàn tay, bàn chân), do nước sôi hoặc cháo.
Bỏng bàn tay, chân hầu như không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại để lại hậu quả về chức năng và thẩm mỹ theo suốt cuộc đời của trẻ (nếu điều trị di chứng thì cũng lâu và tốn kém)", bác sĩ Sáng chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng, với những trường hợp bị bỏng việc sơ cứu ban đầu tại nhà hết sức quan trọng để hạn chế độ sâu của bỏng, mức độ nặng toàn thân và tránh tình trạng bội nhiễm.
Tuy nhiên việc sơ cứu cần người giám hộ trẻ phải bình tĩnh và xử trí đúng cách. Theo các bác sĩ, khi trẻ bị bỏng cần nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguyên nhân gây bỏng.
Đối với trẻ bỏng do nước sôi, bỏng hơi nóng: Ngay khi trẻ bị bỏng, người nhà cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).
Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng.
Việc này có tác dụng giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có điều trị bỏng để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý đắp thuốc theo kinh nghiệm dân gian.
Để phòng tránh cho con em, mọi người cần nâng cao cảnh giác, không lơ là chủ quan khi nhà có con nhỏ, thường xuyên để ý đến con trẻ khi đang chơi đùa. Sắp xếp đồ dùng nguy hiểm trong nhà gọn gàng tránh tầm tay của trẻ.
Cha mẹ không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…
Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cũng nên học kỹ thuật sơ cứu với một số tai nạn thương tích thường gặp để có thể sơ cứu ban đầu đúng cách trong những trường hợp không may mắc phải, nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ.
Mời các bạn xem video bác sĩ hướng dẫn sơ cứu đúng cách khi trẻ bị bỏng:
Trẻ bị bỏng- Bác sĩ hướng dẫn sơ cứu đúng cách khi bỏng. Nguồn: Bác sĩ Đoàn Thị Mai