Từ vụ 3 trẻ bị bỏng khi học kỹ năng thoát hiểm: Bỏng cồn nên xử lý thế nào?

Diệu Thu Thứ năm, ngày 15/08/2019 12:55 PM (GMT+7)
Các bác sĩ cho biết trong 3 trẻ bị bỏng cồn trong lúc học kỹ năng thoát hiểm ở trường mầm non thì có 2 trẻ phải ghép da.
Bình luận 0

img

Bệnh nhi bị bỏng nặng đang điều trị tại BV Bỏng Quốc gia

Tiếp tục thông tin về sức khỏe của 3 trẻ bị bỏng khi đang học kỹ năng tại nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ, ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, Hà Nam, ngày 15/8, bác sĩ trực tiếp điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia cho biết, sau 5 ngày điều trị tích cực, đến nay các bệnh nhi đã thoát sốc và vẫn đang được điều trị tích cực để chống nhiễm khuẩn.

Các bác sĩ cho biết trong 3 trẻ, có một cháu có vết thương tạm ổn định, chưa cần ghép da ngay. Hai bệnh nhi còn lại được cắt lọc vùng da hoại tử sau bỏng để sớm để ghép da.

Việc ghép da được thực hiện sớm sẽ che phủ được các vùng tổn thương, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

Khi được chuyển lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia, ba bệnh nhi gồm bé P.G.K (nam, SN 2015), N.N.H. L. (nữ, SN 2014). N.A. T. (nữ, SN 2016) đều trong tình trạng sốc bỏng nặng với diện tích bỏng lên đến 50 - 60% diện tích cơ thể.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ 40 phút ngày 9/8, tại lớp mẫu giáo có 15 trẻ và 2 cô (trong đó có chủ cơ sở là cô Nguyễn Thị Khoát và giáo viên Đặng Thị Nết), cả 2 cô đều đã được tập huấn và có chứng nhận tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy. Giáo viên có trình độ Cao đẳng Giáo dục Mầm non.

Khi tổ chức lồng ghép hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, cô giáo đã dùng cồn đổ vào mâm, châm lửa vào giấy đốt tạo ra ngọn lửa để giáo dục trẻ biết kêu cứu và thoát khỏi nơi nguy hiểm. Ngọn lửa cồn trong mâm đã bay vào trẻ và gây bỏng cho 4 trẻ (chi tiết của sự việc đang được Công an tiến hành điều tra làm rõ).

Tại thời điểm đó, 2 cô đã lấy khăn ướt để dập lửa cho trẻ và dập tắt ngọn lửa trong mâm, sau đó bế trẻ ra ngoài và sơ tán tất cả các cháu trong lớp ra khỏi phòng.

Riêng cháu Nguyễn Thị Thu T. bỏng nhẹ, các cô đã sơ cứu và gia đình đã đến đón về nhà. Còn lại 3 trẻ, do vết bỏng của trẻ lan rộng nên 3 trẻ đã phải chuyển lên Bệnh viện bỏng quốc gia.

Các bác sĩ cảnh báo, bỏng cồn được xếp vào dạng bỏng lửa, rất độc và nguy hiểm, gây đau rát và nhiều hậu họa. Sơ cứu như sau:

- Tháo bỏ ngay những đồ dùng, vật dụng cứng ở vùng da bị bỏng (vòng, nhẫn, giày dép…).

- Giữ sạch vùng bỏng. Tuyệt đối không bôi dầu, mỡ hay bất cứ loại thuốc nào lên vùng da bị bỏng.

- Không cố cởi quần áo đã bị dính vào vết bỏng.

- Dội nước sạch làm mát vết bỏng. Rồi dùng gạc vô khuẩn, hoặc vải sạch che vết bỏng và đưa đi cấp cứu chuyên khoa gần nhất.

Vụ 3 trẻ bị bỏng nặng khi học kỹ năng thoát hiểm: Có bé mới đi học được vài ngày

Sau 2 ngày điều trị, các bé đã thoát khỏi tình trạng sốc, tuy nhiên các bệnh nhi vẫn có thể đối mặt với nguy cơ tái...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem