Trước thềm SEA Games 31, tay vợt Nguyễn Anh Tú được đặt kỳ vọng sẽ tìm lại tấm HCV đơn nam cho bóng bàn Việt Nam kể từ sau khi Trần Tuấn Quỳnh đăng quang tại SEA Games 2003 trên sân nhà.
Quyết tâm, khát khao của Nguyễn Anh Tú cũng rất lớn khi 2 kỳ SEA Games gần đây, anh đã có HCV đồng đội nam (SEA Games 2017 cùng với Đinh Quang Linh và Đoàn Bá Tuấn Anh), đôi nam (SEA Games 2019 cùng Đoàn Bá Tuấn Anh).
Nhưng dường như sự kỳ vọng quá lớn đã khiến Nguyễn Anh Tú không thể hiện được những phẩm chất tốt nhất tại SEA Games 31. Sau khi loại tay vợt chủ lực của Thái Lan là Padasak, Anh Tú đã thua Phakpoom Sanguansin ở bán kết.
"Khác với Anh Tú, Nguyễn Đức Tuấn bước vào kỳ SEA Games thứ 3 của mình (2 kỳ SEA Games 2017, 2019, Đức Tuấn có mặt nhưng chỉ dự bị) với một tâm lý, tinh thần khá thoải mái khi không nhận được sự chú ý, kỳ vọng nhiều.
Chiến thắng ở bán kết trước tay vợt Clarence Chew Zhe Yu (Singapore) càng khiến Đức Tuấn tự tin hơn khi bước vào trận chung kết gặp lại Phakpoom Sanguansin - người đã thua Đức Tuấn trong trận đồng đội nam Việt Nam thắng Thái Lan 3-0.
Trong trận chung kết, Đức Tuân đã thể hiện được hết những phẩm chất tốt nhất của mình là những cú tấn công phải tay, giao bóng công, đặc biệt phòng thủ bước 1 rất tốt và giành chiến thắng", cựu HLV ĐT bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải nhìn nhận.
Theo dòng phân tích, HLV Nguyễn Nam Hải cho rằng điểm mạnh của Phakpoom Sanguansin là những cú giao bóng ngắn phải tay, kết hợp tấn công sâu dài trái. Đức Tuân đã khống chế được giao bóng, hạn chế xoáy ngược của đối thủ rất rõ ràng.
"Bài học từ trận bán kết Anh Tú thua Phakpoom Sanguansin đã được ban huấn luyện rút kinh nghiệm cho Đức Tuân. Vào trận, em thể hiện tinh thần thi đấu rất tốt, hoàn thành tốt kỹ chiến thuật của ban huấn luyện, phát huy được hết những phẩm chất tốt nhất của mình để giành HCV đơn nam SEA Games 31".
Trở lại với trận chung kết đơn nam bóng bàn SEA Games 31 tối 20/5, Đức Tuân đã dẫn trước Phakpoom Sanguansin 2 séc đầu với tỷ số 11-7, 11-9. Séc 3, Phakpoom Sanguansin thắng lại 11-8, rút ngắn cách biệt xuống còn 1-2.
Séc 4, Đức Tuấn trở lại nhịp chiến thắng với tỷ số 11-7. Séc 5 diễn ra rất kịch tính khi 2 tay vợt "ăn miếng trả miếng", tỷ số là 10-10, 11-11, trước khi Đức Tuân tận dụng cơ hội tốt để thắng 13-11, qua đó thắng chung cuộc 4-1
Tấm HCV đơn nam SEA Games 31 của Nguyễn Đức Tuân đã mang lại niềm vui, sự phấn khích cho đông đảo người hâm mộ bóng bàn Việt Nam. Bởi đã 19 năm trôi qua kể từ khi Trần Tuấn Quỳnh giành HCV đơn nam SEA Games 2003 trên sân nhà, đến giờ, Đức Tuân mới có thể lặp lại thành tích đó.
Ở tuổi 25, sau khi ghi dấu ấn với HCV SEA Games 31, hy vọng tay vợt quê Hải Dương sẽ còn có những bước tiến mới trên đấu trường quốc tế trong thời gian tới.
Những tấm HCV của bóng bàn Việt Nam trong lịch sử SEA Games:
- Năm 1991: HCV đồng đội nữ (Nhan Vị Quân, Trần Thị Thu Hà), thi đấu theo thể thức đồng đội Corbilllon.
- Năm 1995: HCV đơn nam của Vũ Mạnh Cường.
- Năm 1999: HCV đôi nam nữ của Vũ Mạnh Cường - Ngô Thu Thuỷ
- Năm 2001: HCV đơn nam của Vũ Mạnh Cường
- Năm 2003: HCV đơn nam của Trần Tuấn Quỳnh
- Năm 2009: HCV đôi nam của Đoàn Kiến Quốc - Đinh Quang Linh
- Năm 2017: HCV đồng đội nam (Đinh Quang Linh - Nguyễn Anh Tú - Đoàn Bá Tuấn Anh).
- Năm 2019: HCV đôi nam (Nguyễn Anh Tú - Đoàn Bá Tuấn Anh).
- Năm 2022: HCV đơn nam (Nguyễn Đức Tuân)