Chuyển động Nhà nông 20/5.
Giá cá tra giống giảm mạnh
Tại TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Long An... cá tra giống loại 30-35 con/kg giảm còn 30.000-35.000 đồng/kg (giảm 15.000-20.000 đồng/kg). Giá cá tra giống giảm được cho là do nguồn cung dồi dào so với trước. Người dân, doanh nghiệp đang giảm mua cá giống để nuôi cá tra thương phẩm bởi giá thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi thủy sản và chi phí đầu vào gần đây liên tục tăng cao, nhưng giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu lại không tăng thêm mà có xu hướng giảm nhẹ trở lại. Hiện giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu (thịt trắng, cỡ 0,9-1kg/con) tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đang ở mức 31.000-32.000 đồng/kg.
Đạo ôn cổ bông hoành hành, người dân "trồng lúa gặt rơm"
Trung tuần tháng 5 hàng năm, khắp các vùng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh thường rộn rã tiếng máy gặt pha lẫn tiếng cười được mùa của nông dân. Thế nhưng vụ xuân năm nay, bà con hầu như không còn tâm trạng ra đồng thu hoạch. Nguyên nhân do lúa đã bị bệnh đạo ôn cổ bông "ăn trắng" ruộng, tiền bán lúa không đủ bù chi phí thuê máy gặt. Nhiều cánh đồng lớn gieo cấy cùng một giống lúa ở huyện Thạch Hà thất thu năng suất từ 40 - 50%, thậm chí có thửa bị "xóa sổ" vì bệnh đạo ôn cổ bông. Nhiều người dân cho hay, mặc dù phun phòng đạo ôn cổ bông kịp thời theo khuyến cáo của xã, thôn nhưng toàn bộ diện tích lúa J02 vẫn thất thu, năng suất ước giảm từ 50 - 60%. Đáng nói, những vị trí dặm giống lúa khác không nhiễm đạo ôn cổ bông, lúa đẹp, hạt chắc, trong khi J02 bị đạo ôn nặng. Tình trạng mất mùa, giảm năng suất từ chính sách hỗ trợ giống lúa mới tại huyện Thạch Hà không phải lần đầu tiên xảy ra. Điều này đặt ra một dấu hỏi về sự lựa chọn bộ giống chủ lực đưa vào cơ cấu của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn (cụ thể là Sở NN-PTNT, Phòng Nông nghiệp cấp huyện).
Bình Thuận tìm giải pháp tiêu thụ bền vững trái thanh long
Thanh long Bình Thuận tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng từ 2-3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây việc sản xuất và tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, nhất là trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Dịch Covid- 19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Giá thu mua thanh long trong nước giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3 - 5 nghìn đồng/kg. Tính đến quý I/2022, diện tích thanh long trên toàn tỉnh đạt 29.830, giảm gần 4.000 ha so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thanh long đạt gần 700 nghìn tấn/năm, chiếm 50% tổng sản lượng thanh long cả nước. Để khắc phục tình trạng này, Bình Thuận nói riêng và các địa phương khác nói chung cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng thời đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận kiến nghị cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia. Từ đó, có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước.
Châu Á gặp khó khăn về nguồn cung lúa mỳ
Các nhà nhập khẩu lúa mỳ ở châu Á đang vật lộn để tìm nguồn cung mới sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này vào cuối tuần qua, nhằm hạn chế giá trong nước tăng cao. Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ được thúc đẩy bởi một đợt nắng nóng đã cắt giảm triển vọng thu hoạch và đẩy giá lúa mỳ tại thị trường nội địa lên mức cao kỷ lục. Các nhà nhập khẩu, đặc biệt là ở châu Á, đã phải dựa vào nguồn lúa mỳ từ Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu từ khu vực Biển Đen sụt giảm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các thương nhân dự báo lệnh cấm này có thể đẩy giá lúa mỳ toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới, đặc biệt tác động mạnh đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.