Chuyển động Nhà nông 18/5: Hà Nội phát triển các vùng hoa xuất khẩu

THDV Thứ tư, ngày 18/05/2022 14:16 PM (GMT+7)
Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu, hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng. Đây là thông tin sẽ có trong bản tin Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 18/5

Hà Nội phát triển các vùng hoa xuất khẩu

Là thủ phủ hoa lớn nhất của Hà Nội, vựa hoa Mê Linh cung ứng cho thị trường hàng triệu bông mỗi vụ. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 140ha trồng hoa cúc, trong đó đa phần là hoa chất lượng cao. Đáng chú ý, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, liên kết với nông dân, xây dựng vùng trồng hoa cúc để xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc… Nhờ chủ động trồng giống cúc chất lượng cao theo quy trình sản xuất an toàn để bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu nên giá trị loại hoa này cũng tăng 15 – 20% so với canh tác hoa tiêu thụ tại thị trường nội địa. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu, hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các vùng trồng hoa chuyên canh tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong quy trình sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm.

Vải thiều rục rịch trước “giờ G” xuất ngoại 

 Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, vụ vải 2022 toàn tỉnh có 28.300ha vải thiều, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, tiêu chuẩn GlobalGAP là 102ha. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Nếu tình hình dịch như hiện nay sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu). Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "Zero Covid" sẽ xuất khẩu 30% còn lại tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho hay, năm nay sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt hơn 60.000 tấn, tăng khoảng 5.000 tấn so với năm 2021. Dự kiến, đây là năm được mùa vải và mẫu mã, chất lượng cao hơn những năm trước. Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, trái vải thiều Việt Nam được đánh giá là sản phẩm mới ở thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, vải thiều Việt được người Nhật khá ưa chuộng, kỳ vọng sẽ xuất khẩu đạt khoảng 350 tấn mỗi năm.

Giá vịt thịt tăng cao

Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây… giá vịt ta loại 1 được nhiều hộ dân bán cho thương lái ở mức 50.000-53.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá chỉ 45.000-48.000 đồng/kg. Giá vịt xiêm từ mức 55.000-60.000 đồng/kg, nay tăng lên ở mức 60.000-65.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá vịt ta làm sẵn bán lẻ tại nhiều chợ và điểm kinh doanh thịt gia cầm ở mức 90.000 đồng/kg, còn vịt xiêm có giá 105.000 đồng/kg. 

Giá vịt thịt tăng được cho là do sức mua tăng và nguồn cung giảm. Người dân tại nhiều địa phương giảm chăn nuôi vịt do giá cả vật tư tăng và đầu ra bấp bênh. Ngoài ra, gần đây việc nuôi vịt chạy đồng cũng gặp khó vì nhiều nơi không còn đồng trống để thả vịt, do đã bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2022.

Thoi thóp làng “cá triệu đô” ở Sài thành

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 300 hộ nuôi cá cảnh. Tập trung nhiều ở các quận 8, 12, Gò Vấp, huyện Củ Chi và Bình Chánh.  Anh Nguyễn Ngọc Duy, nông dân nuôi cá koi tại xã An Phú Tây (Bình Chánh) đang nuôi cá koi hơn 1ha mặt nước. Hiện, dưới ao vẫn còn một lượng cá koi đáng kể thả nuôi hơn 1 năm nay nhưng chưa tiêu thụ hết.

Tại xã Bình Lợi, anh Nguyễn Tấn Phong, nông dân nuôi cá koi với 9ha mặt nước cũng đang vô cùng lo lắng vi cá koi tiêu thụ rất chậm, thương lái hầu như rất ít thu mua. Trại của anh Phong chuyên nuôi cá cảnh và cung cấp giống, như: Koi, chép Nhật, nam dương... Hiện, giá cá chép Nhật có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg. Giá cá nam dương là 250.000 đồng/kg. Giá cá koi là 200.000-500.000 đồng/kg. Trong khi việc tiêu thụ cá koi rất chậm, thì giá các vật tư, thức ăn cá koi lại tăng phi mã. Không chỉ đối mặt với việc tắc đầu ra, việc giá vật tư và thức ăn chăn nuôi tăng cao tiếp tục khiến người nuôi cá cảnh ở TP.HCM rơi vào thế “khó chồng khó”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem