Ngày 19/5, Trường Đại học Y Hà Nội thông qua mức thu học phí mới đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho năm học 2022 – 2023.
Cụ thể, khối ngành Răng Hàm Mặt và Y dược (Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) có mức học phí là 2,45 triệu đồng/tháng, khối ngành Sức khỏe (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng) có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng và ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến là 3,7 triệu đồng/tháng. Các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ mức học phí gần 4 triệu đồng/tháng đến trên 6 triệu đồng/tháng.
Như vậy, so với năm học trước, mức học phí của một số ngành tại Trường ĐH Y Hà Nội đã tăng lên khoảng 71,3%.
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 như sau:
Năm học 2022-2023: 4,2 triệu đồng/tháng (tương đương 42 triệu đồng/năm).
Năm học 2023-2024: 4,4 triệu đồng/tháng (tương đương 44 triệu đồng/năm).
Năm học 2024-2025: 4,6 triệu đồng/tháng (tương đương 46 triệu đồng/năm).
Năm học 2025-2026: 4,8 triệu đồng/tháng (tương đương 48 triệu đồng/năm).
Tính toàn khóa, sinh viên nhập học năm 2022 cần nộp khoảng 180 triệu đồng trong 4 năm. Mức học phí đang được trường áp dụng trong năm học 2021-2022 là 3,5 triệu đồng/tháng, mức thu mới tăng 0,7-1,3 triệu đồng/tháng.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022. Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị vẫn được được miễn học phí. Các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ. Lộ trình tăng học phí cho từng năm là tối đa 10%.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí theo các mức: Chương trình Đào tạo chuẩn, dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm; chương trình ELiTECH dao động từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Các chương trình, học phí dao động từ 50 - 60 triệu đồng/năm như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt – Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x). Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động từ 45 - 50 triệu đồng/năm; chương trình Đào tạo quốc tế dao động từ 55 - 65 triệu đồng/năm, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) dao động từ 80 triệu đồng/năm.
Lộ trình tăng học phí từ 2020 đến 2025: Mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.
Tại TP.HCM, nhiều trường đại học cũng thông báo tăng học phí. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã công bố học phí dự kiến với mức tăng hơn 12 triệu đồng so với năm ngoái, mức học phí chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh được thu theo quy định hiện hành. Mức thu học phí cao nhất 44,3 triệu đồng một năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Tất cả ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM năm nay sẽ có học phí trung bình dự kiến 25 triệu đồng/năm học 2021-2022 (chương trình chính quy đại trà). Lộ trình tăng các năm học tiếp theo sẽ là: 27,5 triệu đồng (năm học 2022-2023) và 30 triệu đồng/năm cho 2 năm còn lại của khóa học.
Học phí tại một số trường khác cũng dự kiến đều tăng so với các năm trước, trung bình 3-10 triệu đồng/năm.
HĐND TP Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026. Năm nay, mức học phí được phân chia theo 4 vùng thay vì 3 vùng như năm ngoái.
Học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi năm học 2022-2023 ở vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng, với vùng 3 là 100.000-200.000 đồng, vùng 4 là 50.000-100.000 đồng/tháng. Trong 3 năm học sau đó, học phí tăng theo từng năm.
Sở GDĐT TP.HCM mới đây cũng có văn bản về góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo trên địa bàn.
Theo dự thảo này, Sở GDĐT dự kiến tăng học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (trừ cấp tiểu học vẫn được miễn học phí).
Theo đó, mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Trong đó, nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở Thành phố Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Như vậy, dự kiến năm học 2022 - 2023, trẻ học bậc mầm non nhóm 1 (nhà trẻ) sẽ có mức học phí tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng (từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng). Ở bậc mầm non (mẫu giáo), trẻ trong nhóm 1 sẽ có mức học phí tăng 140.000 đồng/học sinh/tháng (từ 160.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng).
Đối với bậc THCS, dự kiến năm học sắp tới sẽ có mức học phí tăng mạnh nhất, trong đó nhóm 1 tăng 240.000 đồng/học sinh/tháng (từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng).
Ở nhóm 2, học sinh bậc THCS, GDTX THCS có mức học phí tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng (tăng từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh).
Bậc THPT, GDTX THPT nhóm 1 sẽ tăng 180.000 đồng/học sinh/tháng (từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng). Nhóm 2 bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng (từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng).
Riêng đối với bậc tiểu học, dự thảo nghị quyết đưa ra mức học phí dự kiến cho học sinh tiểu học thuộc các quận và TP.Thủ Đức là 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Sở GDĐT nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học, việc thu học phí góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, khuyến khích và luôn tạo điều kiện cho học sinh thuộc các diện chính sách có điều kiện được đi học, tạo được đồng thuận của các tầng lớp xã hội.
Ngoài ra, việc này cũng góp phần với ngân sách nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh, tác động đến điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt tính công bằng trong hệ thống giáo dục.
Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc thông báo thu học phí cho năm học 2022-2023 trong khoảng 12.570 - 34.500 USD/năm (từ 290 triệu đồng - 799 triệu đồng). Mức thu cao nhất thuộc về 2 lớp 11 và lớp 12 với 34.500 USD/năm. So với năm học 2021-2022, mức học phí cao nhất ở trường sẽ tăng thêm hơn 80 triệu đồng.
Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) cũng thông báo mức học phí trong năm học 2022-2023. Theo đó, học phí lớp 10 và 11 là 242,8 triệu đồng/năm. Lớp 12 là 247,2 triệu đồng/năm. Mức phí mới này tăng khoảng 20 triệu đồng so với niên khóa trước đó.
Học phí khối trung học cơ sở cũng tăng từ 183,6 triệu đồng/năm (năm học 2021-2022) lên mức 196,8 triệu đồng/năm (từ lớp 6 đến lớp 8) và 200,4 triệu đồng/năm (lớp 9).
Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) dự kiến sẽ tăng thêm từ 13-33 triệu đồng/năm tùy khối lớp. Cụ thể, học phí lớp 1 sẽ tăng lên khoảng 449,612 triệu đồng/năm, trong khi lớp 12 là 688,544 triệu đồng/năm.
Trường phổ thông Quốc tế Đức (IGS) với học phí năm học 2022-2023, cấp trung học từ lớp 7 đến lớp 9 có mức học phí là 426,5 triệu đồng/năm. So với năm 2021-2022, mức học phí này tăng thêm khoảng 12 triệu đồng.