Khắc phục bất cập, Bộ GDĐT sửa đổi quy định chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên

Tào Nga Thứ sáu, ngày 20/05/2022 12:36 PM (GMT+7)
Để đảm bảo thống nhất với quy định mới và khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, Bộ GDĐT đã sửa đổi, bổ sung quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.
Bình luận 0

Bộ GDĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.

Theo Bộ GDĐT, mặc dù các Thông tư 01-04 ở thời điểm ban hành và đã có một số quy định mới phù hợp như: trình độ chuẩn được đào tạo quy định theo Luật Giáo dục 2019; bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ 2 và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) và xếp lương khởi điểm tương ứng với quy định trình độ chuẩn được đào tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất với quy định mới và khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng

Bộ GDĐT đang rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01-04. Trong đó, sẽ điều chỉnh các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Cụ thể như sau:

Chỉ quy định 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN chung đối với các hạng giáo viên.

Khắc phục bất cập, Bộ GDĐT sửa đổi quy định chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên - Ảnh 1.

Giáo viên trường THCS tại Hà Nội trong một tiết dạy học. Ảnh: Tào Nga

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.

Giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Khi chuyển từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.

Bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp

Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn CDNN khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (đã được thay thế bởi Thông tư 01-04), Bộ GDĐT dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng CDNN và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.

Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ

Nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ giáo viên, Bộ GDĐT đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở. 

Theo đó, mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. Mục tiêu của giáo dục trung học cơ sở là nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết.

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm

Bộ GDĐT đã nghiên cứu các phương án bổ nhiệm, xếp lương để khắc phục vướng mắc nói trên và bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ GDĐT dự kiến vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng CDNN nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. 

Đối với giáo viên phổ thông: giữ nguyên thời gian giữ hạng III là từ 9 năm trở lên. Đối với giáo viên mầm non: điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên.

Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới

Nội dung này, Bộ GDĐT dự kiến điều chỉnh như sau:

Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng CDNN: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.

Giữ quy định nhiệm vụ chung cho tất cả các hạng, trong đó hạng cao quy định thêm một số nhiệm vụ có mức độ phức tạp hơn, yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm công tác và năng lực cao hơn thì mới thực hiện được như hiện hành.

Bên cạnh đó cần lưu ý, tại Thông tư 01-04, Bộ GDĐT đã quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng CDNN mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.

Trong quá trình thực hiện rà soát, sửa đổi các Thông tư 01-04, Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến của hơn 466.000 giáo viên mầm non, phổ thông về một số nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung thông qua Hệ thống TEMIS và thu được hơn 280.000 phiếu có thông tin phục vụ cho việc xử lý, phân tích. Ý kiến đóng góp của giáo viên là căn cứ quan trọng để xác định phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ trên nguyên tắc tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan. Các nội dung dự kiến điều chỉnh, bổ sung nói trên cũng đã được đa số giáo viên mầm non, phổ thông đồng thuận. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng đã xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo CDNN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem