Dân Việt

Đây là cây cảnh trồng làm cảnh nhưng hái lá làm rau ăn thả ga đúng chuẩn ngon, bổ, rẻ, ngon hơn thịt

Đông Hoàng 30/04/2023 13:00 GMT+7
Cây đinh lăng hay còn gọi là cây sâm người nghèo, ngoài mục đích trồng làm cây dược liệu, trồng làm cảnh còn là loại cây hái lá, hái ngọn ăn quanh năm. Lá, ngọn đinh lăng là thứ rau gia vị ăn tốt cho sức khỏe và là thành phần "rau sống" không thể thiếu trong nhiều món đặc sản.

Đinh lăng-cây sâm của người nghèo

Cây đinh lăng từ bao đời nay gắn bó với người dân Việt Nam, nhất là ở khu vực nông thôn. Ở làng quê Việt Nam, từ trước tới nay, hầu như trong khuôn viên của ngôi nhà, xung quanh vườn của các gia đình đều có trồng một vài cây đinh lăng.

Đây là cây cảnh trồng làm cảnh nhưng hái lá làm rau ăn thả ga - Ảnh 1.

Ngoài trồng cây đinh lăng làm cảnh trong khuôn viên nhà, cây đinh lăng còn có công dụng như một loại cây cung cấp rau xanh, rau gia vị cho những món ăn ngon.

Cây Đinh lăng có tên khoa học là polyscias fruticosa, là cây thuộc họ ngũ gia bì, cây trồng khá dễ, cây thường được trồng để lấy lá, rễ, thân, lá.

Các bộ phận của cây đinh lăng có thể được dùng làm thuốc trị bệnh hoặc làm rau gia vị. Ngoài ra cây Đinh lăng còn được biết đến là một loài cây thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả và được ví như nhân sâm của người nghèo.

Chính vì như vậy, cây đinh lăng hiện nay được rất nhiều bà con áp dụng và nhân rộng thành nhiều mô hình trang trại vô cùng hiệu quả. 

Đinh lăng dễ trồng, có thể trồng vườn, ruộng, trồng trong chậu ở ban công

Đinh lăng là cây dễ trồng, dễ chăm sóc và dễ thích nghi với khí hậu nhiều vùng, miền của Việt Nam. Để trồng đinh lăng, người ta thường dùng thân cây, thường chọn những đoạn thân bánh tẻ. Nếu trồng đinh lăng với mục đích làm dược liệu, hoặc trồng làm cảnh kết hợp làm rau ăn thì nên chọn đinh lăng ta, hay còn gọi là đinh lăng nếp.

Đinh lăng nếp có thân nhãn, lá nhỏ dễ phân biệt với đinh lăng lai hay còn gọi là đinh lăng tẻ có thân to xù xì hơn và bản lá to hơn rất nhiều.

Nên giâm cành, thân đinh lăng vào bầu. Bầu có thể là các loại chậu nhựa nhỏ, có thể làm bầu bằng túi nilon. Các bầu ươm cây đinh lăng được chọc lỗ thủng ở các mặt bên hông và dưới đáy để có thể thoát nước.

Đất ươm đinh lăng giống là đất vườn, đất bùn ao phơi khô, đập nhỏ hoặc đất giá thể tơi xốp. Giâm cành, thân đinh lăng giống vùi xuống đất 2/3 chiều dài đoạn giống và đặt nghiêng cành giâm, thân giâm nghiêng từ 30-60 độ so với mặt đất.

Chăm sóc cây đinh lăng

          + Bón phân:

          - Sau trồng 5 – 7 ngày nên hòa loãng lân supe với nước để tưới kích thích bộ rễ phát triển.

          - Bón thúc lần 1: Khi cây ra lá mới, chồi ngọn phát triển, với lượng 8 – 10 kg đạm ure/sào.

          - Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 5 – 6 tháng với lượng 20 – 30 kg lân supe + 8 – 10 kg đạm ure + 4 – 6 kg Kaly. Bón phân cách gốc 15 – 20 cm, sau đó lấy đất phủ kín phân.

          - Từ năm thứ 2 nên bón bổ sung 3 - 4 tạ phân chuồng và 10-15 kg phân NPK/ lần/sào.

          - Ngoài ra có thể sử dụng phân NPK của Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, … theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

          +Tưới nước: 

Sau trồng thường xuyên tưới đủ ẩm để cây nhanh bám đất. Khi bộ rễ đã phát triển thì tùy theo tình hình  mà tưới nước phù hợp. Lưu ý: Không được để ngập úng, nếu gặp mưa lớn phải khẩn trương tháo cạn nước. Khi tưới chỉ nên tưới vừa đủ, không để đọng nước quá lâu, dễ bị nấm bệnh tấn công.